Trang chủ » Tin Tức » Tin Tức Nông Nghiệp » Lào Cai thiệt hại hơn 750 tỷ đồng do cây trồng thiếu nước

Lào Cai thiệt hại hơn 750 tỷ đồng do cây trồng thiếu nước

Theo dõi Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền trên

(Cập nhật: 06/09/2023 | 21:32)

Tỉnh Lào Cai hỗ trợ diện tích cây trồng thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước, nhằm ổn định sản xuất nông nghiệp và đời sống cho người nông dân.

Nắng nóng, thiếu nước gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng

Tình trạng nắng nóng, thiếu nước thời gian qua đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân. Cụ thể, qua thống kê từ ngày 1/1 đến cuối tháng 6/2023, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai là hơn 11.500ha, với tổng giá trị thiệt hại gần 752 tỷ đồng.

Nắng nóng, thiếu nước đã gây thiệt hại cho cây trồng, nhất là lúa, ngô. Nhiều diện tích cây trồng bị mất trắng phải trồng lại nhiều lần. Một số diện tích cây trồng bị giảm năng suất, sản lượng đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, nhất là ở các khu vực vùng sâu, vùng xa của Lào Cai.

Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, để giảm bớt một phần khó khăn cho người dân, bù đắp một phần công lao động, các chi phí vật tư (giống, phân bón…), giúp người dân có một phần kinh phí để khôi phục sản xuất, đảm bảo sinh kế, từng bước ổn định đời sống, ngày 17/7, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Phương án số 304/PA-UBND hỗ trợ diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Nhiều diện tích ngô trên địa bàn tỉnh Lào Cai bị thiệt hại do hạn hán, thiếu nước

Theo đó, đối tượng hỗ trợ thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước là các hộ gia đình, cá nhân có diện tích cây trồng theo quy hoạch, kế hoạch, khung thời vụ và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương.

Mức hỗ trợ diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ (không hỗ trợ diện tích bị ảnh hưởng dưới 70%). Người dân chủ động khắc phục diện tích cây trồng, thủy sản bị thiệt hại dưới 70% và diện tích cây trồng lâu năm, cây hằng năm.

Kinh phí hỗ trợ khắc phục đối với diện tích mạ, lúa, ngô và rau màu bị thiệt hại trên 70% (khoảng 2.208ha) với tổng kinh phí hỗ trợ gàn 4,7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự phòng ngân sách cấp huyện, nguồn kinh phí xã hội hoá và các nguồn kinh phí hợp pháp khác của cấp huyện hỗ trợ.

Trong trường hợp vượt quá khả năng cấp huyện, tỉnh Lào Cai sẽ xem xét hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh. Trên cơ sở phương án này, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê, tổng hợp chính xác số liệu diện tích cây trồng bị thiệt hại; điều chỉnh, bổ sung số liệu trong phương án và chịu trách nhiệm về số liệu cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước.

Tổ chức thực hiện hỗ trợ đúng trình tự, thủ tục, đối tượng, định mức hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ thích ứng với biến đổi khí hậu. Sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời ứng phó với các dạng thời tiết, thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Những chân ruộng có nguy cơ khô hạn, thiếu nước hướng dẫn nhân dân có thể kéo dài thời gian cấy hoặc chuyển đổi cây trồng. Đối với diện tích lúa đã cấy, tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân đầy đủ, cân đối và bón bổ sung kali giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Tăng cường thăm đồng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh gây hại để có các biện pháp chỉ đạo phòng trừ kịp thời như sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn… đảm bảo sản xuất an toàn, hiệu quả.

Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi; tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước; đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, triệt để chống thất thoát, lãnh phí nước.

cây trồng thiếu nước

Cây quế một năm tuổi chết khô do nắng nóng tại huyện Bảo Yên (Lào Cai)

Riêng đối với cây ngô, tuyên truyền nhân dân trồng lại diện tích bị thiệt hại do nắng nóng, thiếu nước; mở rộng diện tích trồng xen canh, tăng vụ trên các loại đất phù hợp, nhằm bù đắp sản lượng thiếu hụt do nắng nóng, thiếu nước đảm bảo kết hoạch UBND tỉnh giao. Tập trung thâm canh tăng năng suất, chất lượng các loại cây trồng, mở rộng diện tích cây vụ đông 2023.

Đối với diện tích lúa mùa vùng thấp, tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích cánh đồng một giống áp dụng thâm canh lúa cải tiến (SRI) trong sản xuất, giảm giống, giảm phân bón, tiết kiệm nước tưới; tăng năng suất, tăng chất lượng và giá trị.

Ông Lê Thanh Hoa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Khương (Lào Cai) cho biết, hiện đã tiếp nhận 6 tấn ngô giống từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trồng trong vụ hè thu. Còn về phương án của tỉnh là hỗ trợ diện tích cây lương thực thiệt hại từ 70% trở lên và quan điểm của tỉnh là sử dụng nguồn dự phòng ngân sách huyện, nguồn kinh phí xã hội hóa… Tuy nhiên, Mường Khương là huyện nghèo nên nguồn dự phòng rất hạn chế, vì vậy huyện đang tổng hợp để đề xuất nguồn từ tỉnh.

Qua thống kê, huyện Mường Khương có diện tích sản xuất nông nghiệp thiệt hại do nắng nóng, khô hạn hơn 60 tỷ đồng nhưng diện tích thiệt hại trên 70% chỉ hơn 3 tỷ đồng.

Được biết, tỉnh Lào Cai cũng chỉ đạo Sở NN-PTNT kiểm tra, đôn đốc UBND cấp huyện trong quá trình thực hiện phương án hỗ trợ. Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình thời tiết khí hậu; tổng hợp, báo cáo và đề xuất với UBND tỉnh giải quyết kịp thời những khó khắn, vướng mắc.

Tỉnh Lào Cai tiếp nhận 25,5 tấn hạt giống ngô từ nguồn dự trữ quốc gia năm 2023 và thực hiện phân bổ số lượng hạt giống ngô trên cho các huyện, để cấp cho nhân dân, không thu tiền, nhằm trồng lại và trồng bù diện tích thiệt hại do nắng hạn vụ xuân hè 2023.

Ngoài ra, thời điểm nắng nóng, khô hạn, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chủ động, có kế hoạch hành động cụ thể phòng chống, khắc phục hậu quả do hạn hán, đảm bảo nước cho sản xuất vụ lúa xuân và lúa mùa ở vùng cao; huy động tối đa lực lượng kiểm lâm triển khai phương án phòng, chống cháy rừng; chỉ đạo việc đảm bảo thức ăn, nước uống, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…

Nguồn: nongnghiep.vn

5/5 - (3 bình chọn)
Chia sẻ: