Trang chủ » Khuyến Nông » Bọ Xít Đen Hại Lúa

Bọ Xít Đen Hại Lúa

Theo dõi Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền trên

(Cập nhật: 19/04/2021 | 22:21)

Bọ xít đen hay còn gọi là bọ xít hôi là một loài bọ xít thuộc họ Pentatomidae. Bọ xít đen gây hại ở các vụ lúa ngắn ngày và lúa mùa trong năm, tuy nhiên gây hại nặng nhất ở vụ hè thu có điều kiện thời tiết nóng và ẩm.

Trong vài năm gần đây, bọ xít đen đã gây hại và có chiều hướng lan rộng ở một số tỉnh ĐBSCL trên lúa ngắn ngày và lúa mùa, gây thiệt hại cho sản xuất lúa. Bà con nông dân còn nhận xét thêm là trên những giống lúa nhiễm rầy nâu thì cũng bị bọ xít tấn công nhiều hơn.

Chính vì vậy trồng lúa nói riêng và trong trồng trọt nói chung, việc phòng trừ bọ xít đen là việc làm hết sức cần thiết để đem lại hiệu quả năng suất cao.

Đặc điểm hình thái của bọ xít đen

Bọ xít đen (tên khoa học Scotinophara sp.), thuộc họ Bọ xít năm cạnh (Pentatomidae), Bộ cánh nửa (Hemiptera). Trưởng thành màu đen hoặc nâu đen, dài 8-10 mm, rộng 5-6 mm, hai bên đốt ngực có gai nhọn, khi bị động nó tiết ra mùi hôi.

Bọ xít đen

Bọ xít đen hay còn gọi là bọ xít hôi thuộc dòng họ Pentatomidae

Trứng được đẻ thành từng ổ 15-20 trứng xếp thành 3-4 hàng dọc trên các bẹ lá, phiến lá gần mặt nước ruộng. Trứng có dạng hình trụ (giống như cái trống), màu hồng hơi xanh. Một con cái có thể đẻ đến 200 trứng.

Ấu trùng hình dạng giống trưởng thành, không cánh, màu vàng rơm, trên đó có những chấm đen, bò chậm chạp và có 5 tuổi.

Đặc điểm sinh học – sự gây hại

Bọ xít đen rất thích ánh sáng đèn, thích sống nơi ẩm ướt và có thể sống tiềm sinh khi bị khô hạn. Chúng thường sống trên lúa chét của vụ trước và cỏ dại, khi gặp điều kiện thích hợp chúng sẽ chuyển vào ruộng và tấn công trên cây lúa.

Bọ xít đen tập trung trên thân cây lúa hút nhựa (như rầy nâu) để lại những đốm màu vàng, dần dần làm cho cây lúa bị vàng lá chân. Nếu bị hại nhẹ cây phát triển kém, còi cọc, cây vàng dần, trổ không thoát, nếu bị hại nặng cây khô héo, chết từng khóm, từng chòm giống như bị cháy rầy. Nếu bị hại ở thời kỳ trổ bông thì cây sẽ bị lem lép hạt lúa hoặc bạc trắng làm thiệt hại năng suất rất nhiều.

Bọn chúng có thể phát sinh gây hại các vụ lúa trong năm, tác hại thường cao trong điều kiện thời tiết nóng và ẩm. Mưa nhiều thích hợp chọ bọ xít đen phát triển.Trong vụ lúa, nó thường phát sinh gây hại khi lúa ở giai đoạn đẻ nhánh rộ đến có đòng.

Bọ xít đen hại lúa

Bọ xít đen gây hại ở các vụ lúa ngắn ngày và lúa mùa trong năm

Biện pháp phòng trừ bọ xít đen

– Gieo cấy mật độ vừa phải, sạ thưa, sạ hàng làm giảm tác hại của bọ xít.

– Vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, diệt lúa chét, đốt rơm rạ diệt ổ trứng, cày diệt bọ xít trú ẩn dưới đất.

– Làm sạch cỏ dại trong ruộng và bờ bao.

– Dùng bẫy đèn để bắt bọ xít trưởng thành. Khi phát hiện có bọ xít đen, lá chân bị rủ thì bơm nước cao 15-20 cm ngập những ổ trứng khoảng 2 ngày, trứng bị ung thối không nở được.

– Bơm nước vào ruộng trước khi phun thuốc để dồn bọ xít lên phía trên, khi phun hướng vòi xuống phần thân lúa và phun vào chiều mát là lúc bọ xít có xu hướng bò lên thân gây hại. Phun 4 bình 8 lít nước/1000 m2:

+ Hopsan 75 ND, Ofunack 40 SP, Suco F 30 ND : 25-30 ml/bình 8 lít nước

+ Fastac 5 EC : 15 ml/bình 8 lít nước

Nguồn: Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ: