Ô nhiễm Không khí là gì? Tác nhân, sự ảnh hưởng và cách khắc phục?
(Cập nhật: 10/08/2023 | 11:27)
Hiện nay, ô nhiễm không khí đang ngày càng trở lên trầm trọng, là mối quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Tình trạng này đã và đang trở thành một vấn đề nhức nhối của nhiều nước và chưa có biện pháp để giải quyết triệt để.
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ra nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp và tim mạch, biến chứng thần kinh, kích ứng mắt, bệnh ngoài da và các bệnh mãn tính lâu dài như ung thư. Để hiểu hơn về ô nhiễm không khí là gì cũng như các tác nhân, hậu quả và cách khắc phục hiện tượng này, Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền mời bạn theo dõi và tham khảo ngay bài viết chi tiết dưới đây.
Mục lục
Tìm hiểu ô nhiễm không khí là gì?
Ô nhiễm không khí là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các vật chất hoặc năng lượng vào không khí, gây ra những tác hại như gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, hệ sinh thái và gây ra thiệt hại về vật chất, làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Ô nhiễm không khí cũng có thể hiểu là trong không khí có chứa các chất gây ô nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, hoặc tạo ra những tác động xấu đối với môi trường.
Ô nhiễm không khí là tình trạng trong không khí có xuất hiện chất lạ hoặc có sự biến đổi quan trọng trong thành phần không khí làm thay đổi tính chất lý, hoá vốn có của nó, vi phạm tiêu chuẩn môi trường do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, gây tác động có hại cho con người và thiên nhiên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 6 chất chính gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người bao gồm: Nitơ dioxit (NOx); lưu huỳnh dioxit (SOx); cacbon monoxit (CO); chì (Pb); zon tầng bình lưu (O3); vật chất dạng hạt (PM).
Ô nhiễm không khí là một vấn đề đáng báo động ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Biểu hiện của tình trạng ô nhiễm là sự thay đổi của các thành phần trong không khí như khói, bụi, hơi và một số loại khí lạ xâm nhập vào không khí. Từ đó, sẽ dẫn đến các hậu quả như làm giảm tầm nhìn, biến đổi khí hậu, phát sinh các mùi khó chịu. Những điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đời sống của con người cũng như của các loài động, thực vật trên thế giới.
Không khí thực sự cần thiết cho sự sống của con người cũng như các sinh vật trên thế giới, nó bao quanh cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chính vì vậy, không khí khi bị ô nhiễm sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động trong đời sống xã hội.
Con người là một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến việc không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng như hiện nay, do vậy mỗi người cần phải nâng cao ý thức và hành động của mình để cải thiện môi trường sống nói chung cũng như tình trạng ô nhiễm không khí nói riêng.
Thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay
Vấn đề ô nhiễm không khí hiện nay xảy ra không chỉ riêng ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng gặp phải. Rất nhiều cảnh báo cũng như biện pháp của chính phủ được đưa ra để cải thiện chất lượng không khí, thế nhưng thực trạng này vẫn diễn ra rất phổ biến.
Thực trạng ô nhiễm không khi trên Thế giới
Theo báo cáo và đánh giá Tình trạng không khí toàn cầu năm 2021 công bố ngày 21/10 của Viện Ảnh hưởng Sức khỏe (HEI) và Viện Đo lường, Đánh giá Sức khỏe (IHME) của Đại học Washington và Đại học British Columbia cho thấy, thực trạng ô nhiễm không khí đã diễn ra từ rất lâu và rất nguy hại. Tuy nhiên, cho đến hiện nay chúng ta vẫn chưa có một biện pháp cụ thể nào đó để khắc phục triệt để vấn đề ô nhiễm không khí này.
Theo dữ liệu mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố mới nhất còn cho thấy gần như toàn bộ 99% dân số trên thế giới đang phải sống chung với bầu không khí có chứa hàm lượng chất ô nhiễm cao.
WHO còn chỉ ra rằng người dân ở 7000 thành phố của 119 quốc gia hiện đang phải hít thở các hạt bụi mịn và nitơ đioxit ở mức nguy hiểm, đặc biệt là những người đang sinh sống ở các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình là đối tượng phải tiếp xúc nhiều nhất với không khí bị ô nhiễm.
Nguồn gốc của ô nhiễm không khí được hình thành chủ yếu từ các hạt bụi mịn có đường kính 2.5 micron (PM 2.5), nên chúng rất dễ dàng xâm nhập vào phổi và máu của cơ thể con người gây ra các vấn đề bệnh liên quan tới đường hô hấp như tim mạch, mạch máu não, hen suyễn, khó thở, khò khè,… Chính vì điều này mà hằng năm ở trên thế giới có tới hơn 7 triệu ca tử vong liên quan tới ô nhiễm không khí.
>> Gợi ý cho bạn: Top 9 đất nước sạch nhất Thế Giới
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam
Thực trạng ô nhiễm không khí là vấn đề diễn ra ở trên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo một báo cáo thường niên về chỉ số môi trường do tổ chức Môi trường Mỹ thực hiện, Việt Nam bị đánh giá là một trong 10 nước có tình trạng ô nhiễm không khí hàng đầu tại Châu Á, tiêu biểu là mức ô nhiễm không khí với các hạt bụi mịn ở mức PM 10 và PM 2.5.
Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai trong những địa điểm bị ô nhiễm không khí nặng nề nhất cả nước, tại nhiều thời điểm bụi mịn có thể đạt ở mức PM 2.5 và bao phủ cả một bầu trời khiến cho tầm nhìn của người đi đường bị hạn chế cũng như sức khỏe của con người bị ảnh hưởng tiêu cực.
Theo báo cáo chất lượng không khí toàn cầu của IQAir năm 2022, nồng độ bụi mịn PM 2.5 tại Việt Nam của năm 2021 là 24,7 μg/m3, có xu hướng giảm so với năm 2019 và 2020. Thế nhưng, khi so sánh với các nước ở khu vực Đông Nam Á, thì Việt Nam xếp thứ 5 trên 9 quốc gia, xét trên toàn thế giới thì Việt Nam xếp thứ 35/117 quốc gia có nồng độ PM 2.5.
Cũng theo báo cáo này còn cho thấy, trong quý I và quý II của năm 2021, tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có sự cải thiện rõ nét. Theo kết quả tính toán AQI thì cả hai thành phố này đều duy trì ở mức thấp và trung bình.
Nguyên nhân được đưa ra do sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, người dân thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của chính phủ đã giúp cho các phương tiện lưu thông được giảm đi đáng kể, vì vậy mà mức độ ô nhiễm không khí được cải thiện phần nào.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội hiện bị ảnh hưởng rất lớn từ các nguồn bên ngoài, cụ thể thì có ⅓ lượng bụi mịn PM 2.5 sinh ra trực tiếp từ các nguồn thải trên địa bàn thành phố, ⅔ lượng bụi mịn còn lại đến từ các tỉnh thành và khu vực Đồng Bằng Sông Hồng, lan truyền từ xa và các nguồn tự nhiên. Trên thực tế cũng cho thấy, nồng độ bụi mịn dạng hạt PM 2.5 và PM 10 đều cao hơn QCVN 05 (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh).
Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội diễn ra theo mùa. Vào mùa hè từ khoảng tháng 5 – tháng 9 ở Hà Nội thường có mức độ ô nhiễm dạng hạt thấp hơn rất nhiều so với mùa đông vào khoảng tháng 10 – tháng 2. Hiện tượng nghịch nhiệt, nhất là vào mùa đông khiến cho mức độ ô nhiễm ban đêm có thể cao hơn khoảng 2 lần trong ngày.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Tphcm
Tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, mức độ ô nhiễm không khí cũng được chỉ ra rằng có nồng độ đạt ở mức PM 2.5. Nguyên nhân được cho là do các hoạt động từ phương tiện giao thông, sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và thương mại của người dân.
Theo bản đồ của ứng dụng quan trắc không khí PAM Air, Air Visual, Healthy Air thì có tới rất nhiều điểm đo là màu cam (có hại cho nhóm nhạy cảm), màu đỏ (có hại cho sức khỏe). Các điểm đo xuất hiện rải rác ở các quận 12, quận Gò Vấp, Tân Phú, huyện Bình Chánh,… Chất lượng không khí xuống thấp bao phủ cả một bầu trời khiến tầm nhìn cũng như sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng phần nào.
Các tác nhân gây ô nhiễm không khí là gì?
Ô nhiễm không khí có thể xảy ra do các hiện tượng tự nhiên (từ bụi, cháy rừng, núi lửa, chất phóng xạ trong tự nhiên, sóng biển,…) hoặc từ hoạt động của con người (do hút thuốc lá, quá trình đốt rơm rạ thải ra các khói) trong quá trình sản xuất công nghiệp, do đốt các nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí đốt tạo ra CO2 , CO, SO2, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết, muội than, bụi, quá trình thất thoát, rò rỉ trên dây chuyền công nghệ, do quá trình vận chuyển các hóa chất bay hơi, bụi,)… Ô nhiễm môi trường không khí có thể xảy ra trên quy mô một vùng, một quốc gia, một khu vực hoặc ô nhiễm môi trường không khí toàn cầu.
Sinh hoạt hộ gia đình
Một trong những nguồn ô nhiễm không khí chính là bắt nguồn từ các hộ gia đình khi đốt các nhiên liệu sinh hoạt, gỗ, phân động vật. Một lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp, chủ yếu là rơm, rạ và trấu để nấu ăn, sưởi ấm và thắp sáng nhà cửa. Việc đốt các các nhiên liệu hóa thạch, gỗ, phân động vật rơm, rạ, trấu tạo ra nhiều chất gây ô nhiễm gây hại cho sức khỏe, bao gồm các hạt vật chất (PM), metan, carbon monoxide, hydrocarbon và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC). Đốt cháy dầu hỏa trong khi thắp sáng bằng đèn dầu cũng tạo ra lượng khí thải đáng kể của các hạt mịn và các chất ô nhiễm khác.
Sản xuất công, nông nghiệp
Đây là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất do con người gây ra. Quá trình gây ô nhiễm là quá trình đốt cháy các nhiên liệu hóa thạch như than, dầu, khí đốt tạo ra các chất khí độc hại (CO2, CO, SO2, NOx, các chất hữu cơ chưa cháy hết: muội than, bụi). Các nhà máy nhiệt điện chạy than là nguồn gây ô nhiễm chủ yếu, các máy phát điện diesel cũng đóng góp cho quá trình ô nhiễm này. Việc sử dụng dung môi, trong các ngành công nghiệp hóa chất và khai thác, cũng là những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Ngoài ra khí thải từ xe cơ giới và các phương tiện vận chuyển hàng hoá, phục vụ cho công nghiệp cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể.
Các nguồn gây ô nhiễm không khí chính từ nông nghiệp đó là từ chăn nuôi gia súc: trâu, bò, ngựa, lợn,…thải ra khí metan và amoniac, việc đốt rơm rạ trên những cánh đồng cũng sản sinh ra khí metan. Khí thải metan góp phần vào việc hình thành ozone ở tầng bình lưu, là nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp. Khí metan cũng là một loại khí đóng góp vào sự nóng lên toàn cầu mạnh. Việc đốt rơm rạ trên những cánh đồng tạo ra khói, bụi làm phát sinh khí thải CO2, CO, NO2 vào môi trường, gây cản trở tầm nhìn, ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Chúng tạo ra các hạt bụi mịn, ảnh hưởng sinh hoạt bình thường của người dân. Nó không chỉ gây ô nhiễm tại khu vực đốt rơm rạ, mà các chất ô nhiễm còn theo gió phát tán ra vùng rộng lớn, làm gia tăng ô nhiễm không khí cho những vùng xung quanh.
Sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học và các loại phân tươi trong các hoạt động nông nghiệp cũng phát sinh ra khí độc hại amoniac gây ô nhiễm nguồn nước. Nếu hít phải nhiều amoniac sẽ bị bỏng đường hô hấp (rát cổ họng), gấy ức chế thần kinh tạo nên cảm giác khó chịu cáu gắt, gây đau thắt ngực, khó thở. Năm 1962, nữ văn sĩ Rachel Carson xuất bản cuốn sách “Mùa xuân im lặng” đã tiết lộ về những hiểm họa của thuốc trừ sâu DDT. Chỉ một lần phun thuốc trừ sâu DDT để diệt một loài sâu hại cây trồng, nó không chỉ diệt được loài sâu bệnh trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng, mà đồng thời cũng tiêu diệt luôn nhiều loài côn trùng có lợi khác và tồn lưu như một độc chất trong môi trường.
Thu gom, xử lý rác thải
Hiện nay, một bộ phận người dân vẫn còn rất thiếu ý thức trong việc xả rác bừa bãi ra ngoài môi trường, điều này đã làm cho rác thải không được tập kết và xử lý đúng như quy định, khiến cho mùi hôi thối phát tán ra bên ngoài. Bên cạnh đó, một phần cũng do các phương pháp xử lý rác thải thủ công ở nước ta hiện nay làm cho không khí trở nên ô nhiễm trầm trọng hơn.
Đốt rác thải và chất thải hữu cơ trong các bãi chôn lấp rác thải cũng phát sinh nhiều chất ô nhiễm độc hại như: bụi, NOx, CO, CO2 , SOx, THC, HCl, HF, dioxin/furan, hơi nước và tro vào khí quyển. Khí thải sinh ra từ các lò đốt rác cũng đang làm ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Trên toàn cầu, ước tính 45% chất thải được đốt công khai. Vấn đề nghiêm trọng nhất ở các khu vực đô thị hóa và các nước đang phát triển.
Phương tiện giao thông
Với số lượng các phương tiện giao thông ngày càng tăng cao và di chuyển dày đặc nên lượng khí thải từ ô tô, xe máy xả thải ra ngoài môi trường cũng vô cùng nhiều. Nhất là đối với những phương tiện cũ với máy móc hoạt động lâu đời thì lượng khí thải càng lớn.
Thông thường, các phương tiện giao thông thường xả ra không khí các chất độc hại như CO, NO2, SO2, VOC,… Theo một báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), các phương tiện giao thông chiếm đến 22,34% lượng Carbon mỗi năm.
Ngành giao thông vận tải toàn cầu chiếm gần một phần tư lượng khí thải carbon dioxide liên quan đến năng lượng và tỉ lệ này đang ngày một tăng lên. Ô nhiễm không khí từ giao thông gây ra hơn 380.000 ca tử vong sớm. Gần một nửa số trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí do giao thông là do khí thải Diesel, 13% những người sống gần các tuyến đường huyết mạnh giao thông chính có khả năng mắc chứng bệnh mất trí nhớ. Quá trình đốt nhiên liệu động cơ tạo ra các chất khí độc hại làm ảnh hưởng đến không khí như CO2, CO, SO2, NOx, Pb, CH4,… Đối với những đất nước chưa phát triển hoặc đang phát triển thì các phương tiện giao thông có thể gây ô nhiễm không khí cao hơn khi sử dụng các phương tiện giao thông lỗi thời, cũ kĩ không đạt tiêu chuẩn khí thải, cũng như cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ di chuyển công còn chưa phát triển.
Việc giảm khí thải từ các phương tiện giao thông là một trong những cách làm cải thiện chất lượng không khí, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Các chính sách và tiêu chuẩn về sử dụng nhiên liệu sạch và tiêu chuẩn khí thải xe tiên tiến có thể giảm 90% lượng khí thải.
Xây dựng cơ sở hạ tầng
Việc xây dựng nhà ở, dự án trung tâm thương mại, chung cơ ở các thành phố lớn như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh chính là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí nặng nề. Các vật liệu xây dựng phục vụ cho quá trình thi công nếu không được che chắn cẩn thận thì các bụi bẩn sẽ vương vãi ra bên ngoài môi trường và là một trong các tác nhân gây ô nhiễm không khí.
Bên cạnh đó, trong trường hợp vận chuyển vật liệu xây dựng nếu không được bảo vệ cẩn thận thì cũng rất dễ rơi ra ngoài đường làm nguy hiểm đến đến các phương tiện lưu thông trên đường.
Các tác nhân tự nhiên
Bên cạnh những nguyên nhân do con người tạo ra thì cũng có một số nguyên nhân đến từ tự nhiên, cụ thể như sau:
Gió bụi, lốc xoáy, bão
Lượng khí thải khi chưa được thông qua xử lý, khi gặp phải các cơn gió nó sẽ đưa các hạt bụi bẩn này đi xa hàng trăm kilomet. Từ đây, sự ô nhiễm cũng sẽ được lan ra một diện rộng hơn làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh vật và con người.
Sau mỗi trận bão lớn, lượng khí thải NOx đều sản sinh ra rất lớn và khiến cho tỷ lệ ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 và PM 10 tăng cao.
Núi lửa phun trào
Hiện tượng núi lửa phun trào sẽ làm cho các khí lưu huỳnh, clo, metan,… ở sâu bên trong lớp dung nham bị đẩy ra ngoài, việc này cũng chính là tác nhân khiến cho không khí ngày một ô nhiễm nặng nề.
Cháy rừng
Cháy rừng là một trong những nguyên nhân làm cho lượng Nitơ Oxit ở trong không khí tăng lên một cách đột ngột và đáng kể. Nhất là những đám cháy có quy mô lớn, thời gian dập tắt chúng thường lâu hơn và vì thế mà lượng Nitơ Oxit cũng hòa vào không khí nhiều hơn.
Thời điểm giao mùa
Thời điểm giao mùa là giai đoạn mà bầu trời xuất hiện nhiều lớp sương mù dày đặc khiến cho lớp bụi mịn không thể nào thoát ra được và gây nên tình trạng ô nhiễm không khí ở nhiều khu vực.
Sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau và vì thế nó cũng gây ra rất nhiều hậu quả không chỉ là ảnh hưởng tới sức khỏe con người mà còn là những tác động tiêu cực đến động, thực vật.
Đối với con người: Khi phải sinh sống ở một khu vực có mức độ ô nhiễm không khí trong một thời gian dài thì rất có thể sẽ mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp như dị ứng, viêm phổi,… nguy hiểm là tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư, đột quỵ,…
Với nam giới thì sẽ gia tăng khả năng mắc các bệnh tiểu đường, tổn hại về da về mắt, thậm chí có thể là gây vô sinh. Với trẻ em thì sẽ có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh từ khi còn ở trong bụng mẹ, giảm IQ hay dậy thì sớm ở các bé gái.
Đối với động, thực vật: Ô nhiễm không khí làm sản sinh ra một lượng Flo lớn, đây là một loại khí độc hại khiến cho nhiều loại động vật, vi sinh vật nhiễm độc cực nhanh. Hơn nữa, các loại khí thải vào bên trong không khí như lưu huỳnh dioxit, chì, flo, nito dioxit,… làm giảm đi sức đề kháng của các loại động vật, Đồng thời thực vật cũng sẽ không có đủ lượng oxy đi quang hợp làm cho khả năng thoát nước suy giảm, sâu bệnh hoành hành nhiều hơn.
Các hiện tượng biến đổi khí hậu, mưa axit, hiệu ứng nhà kính xảy ra do ô nhiễm môi trường không khí gián tiếp tác động lên các loài thực vật. Cây thiếu thức ăn là các chất dinh dưỡng, vi sinh vật, canxi,… Bên cạnh đó, mưa axit cũng làm giải phóng ion nhôm vào nước làm hại rễ cây, giảm khả năng hấp thu dưỡng chất của chúng, đồng thời ăn mòn lớp bảo vệ sáp của lá cây khiến cho chúng chết dần chết mòn.
Biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí
Có thể thấy ô nhiễm không khí làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe của con người cũng như các loài động, thực vật ở trên thế giới. Vì vậy, để cải thiện tình trạng này, trước tiên mỗi người trong chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn nữa, đồng thời áp dụng các biện pháp dưới đây:
- Trồng nhiều cây xanh: Đẩy mạnh việc trồng cây, phủ xanh đất trống đồi trọc để cây xanh có thể hấp thụ các chất độc hại và khí CO2. Bên cạnh đó, ở trong nhà nên trồng thêm các loại cây thanh lọc không khí cây thường xuân, cây lưỡi hổ, cây tuyết tùng,…
- Xử lý rác thải đúng tiêu chuẩn: Vứt rác đúng nơi quy định, áp dụng các công nghệ xử lý rác thải tân tiến trước khi xả thải ra ngoài môi trường.
- Hạn chế sử dụng hóa chất trong hoạt động nuôi trồng: Nên áp dụng các biện pháp sinh học cùng công nghệ sạch, an toàn với môi trường, hạn chế sử dụng các chất hóa học và thuốc trừ sâu.
- Ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường: Tích cực sử dụng các phương tiện công cộng như xe bus, xe bus điện hoặc xe máy điện để giảm thiểu tối đa lượng khí xả thải bên ngoài môi trường mỗi ngày. Đối với những các đời xe cũ thì cần bảo dưỡng hoặc thay thế để hạn chế lượng khí thải độc hại.
- Hướng tới sử dụng các sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu: Lắp đặt máy nước nóng năng lượng mặt trời cũng chính là một trong những giải pháp hàng đầu hiện nay để bảo vệ môi trường, sâu xa hơn là hạn chế được tình trạng ô nhiễm không khí. Máy nước nóng năng lượng mặt trời hoạt động theo nguyên lý không sử dụng điện năng, nên nó vừa có thể tiết kiệm điện vừa giúp bảo vệ môi trường một cách tốt nhất. Với tuổi thọ sử dụng lớn cùng mức giá thành hợp lý, ưu đãi nên máy nước nóng năng lượng mặt trời đang ngày càng là một trong những dòng sản phẩm được người tiêu dùng săn đón hàng đầu hiện nay.
Ô nhiễm không khí bắt nguồn từ rất nhiều những nguyên nhân khác nhau và nó cũng để lại các hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe của con người, động vật, thực vật,… Chính vì vậy, mỗi người trong chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn nữa, đồng thời áp dụng các biện pháp cải thiện chất lượng không khí để cuộc sống được trong lành và an toàn.
Quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường không khí
Nhằm thực thi các cam kết của Việt Nam trong hiệp định đa phương về môi trường và xuất phát từ chính nhu cầu nội tại, Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, pháp luật nhằm ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, trong đó có những quy định về ngăn ngừa ô nhiễm không khí.
Hiến pháp Việt Nam có quy định: Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. (Điều 43). Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, làm suy kiệt tài nguyên thiên nhiên và suy giảm đa dạng sinh học phải bị xử lí nghiêm và có trách nhiệm khắc phục, bồi thường thiệt hại. (Khoản 3 Điều 63).
Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014 quy định về bảo vệ môi trường không khí như sau: (i) Các nguồn phát thải khí vào môi trường phải được đánh giá và kiểm soát; (ii) Tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát thải khí tác động xấu đến môi trường có trách nhiệm giảm thiểu và xử lý bảo đảm chất lượng môi trường không khí theo quy định của pháp luật. (Điều 62).
Quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường “Cơ quan quản lí nhà nước về bảo vệ môi trường có trách nhiệm theo dõi, đánh giá chất lượng môi trường không khí xung quanh và công bố công khai thông tin; trường hợp môi trường không khí xung quanh bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lí kịp thời” (Điều 63). Đối với việc kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, luật cũng quy định: “Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lớn phải đăng kí nguồn gây ô nhiễm, đo đạc, thống kê, kiểm kê và xây dựng cơ sở dữ liệu về lưu lượng, tính chất, đặc điểm khí thải. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn phát thải khí công nghiệp lưu lượng lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục và được cơ quan quản lí nhà nước có thẩm quyền cấp phép xả thải” (khoản 3, 4 Điều 64).
Đối với việc quản lí và kiểm soát bụi, khí thải: “Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lí bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kĩ thuật môi trường; Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kĩ thuật môi trường” (Khoản 1, 2 Điều 102).
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lí chất thải và phế liệu cũng đề cập tới quy định đăng kí nguồn thải, cấp phép xả thải và quan trắc khí thải liên tục đối với các nguồn phát thải khí công nghiệp lớn như xi măng, nhiệt điện, sản xuất phôi thép, hóa chất và phân bón hóa học, …
Nghị định số 40/2019/NĐ-CP cũng quy định rõ: “Đối với các dự án đầu tư xây dựng khu công nghiệp và các dự án thuộc loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục IIaMục I Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, trong báo cáo đánh giá tác động môi trường phải có phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường đối với khí thải”; Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường không khí xung quanh phải có trách nhiệm xử lí, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường (khoản 4 Điều 13); Chủ dự án, chủ cơ sở có phát sinh khí thải công nghiệp và thuộc đối tượng phải kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường quy định tại khoản 1 Điều 17 và khoản 3 Điều 22 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP phải xây dựng và quản lí cơ sở dữ liệu khí thải công nghiệp.
Cơ sở dữ liệu khí thải công nghiệp bao gồm các số liệu đo đạc, thống kê, kiểm kê về lưu lượng, thông số, tính chất, đặc điểm khí thải công nghiệp. Chủ dự án, chủ cơ sở có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện nội dung này khi lập báo cáo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm (Điều 45). Quy định về những đối tượng phải thực hiện quan trắc khí thải tự động, liên tục. Chủ nguồn thải khí thải công nghiệp có phát sinh khí thải lưu lượng lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao phải lắp đặt thiết bị quan trắc khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên Môi trường để kiểm soát. Các dự án có phát sinh chất thải công nghiệp lớn đều phải có giấy phép xả khí thải công nghiệp (Điều 47).
Thủ tướng Chính phủ cũng đã kí Quyết định số 985a/QĐ-TTg, ngày 01/6/20016 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lí chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là tại các khu đô thị, thành phố lớn, ảnh hưởng lớn tới đời sống, sinh hoạt của người dân, trở thành vấn đề bức xúc của xã hội, ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị đã họp và ra Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lí tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó có bảo vệ môi trường không khí.
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định về tội gây ô nhiễm môi trường, không chỉ quy định trách trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, mà còn quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại gây ô nhiễm môi trường (Điều 235); quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi vi phạm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường (Điều 237).
Ô nhiễm không khí có tác động lớn đến sức khỏe con người và môi trường, nó là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm và có nguy vơ tử vong cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, việc kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm không khí là rất quan trọng và nên nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Các nhà hoạch định chính sách và lập pháp phải cập nhật tất cả các luật và quy định liên quan đến ô nhiễm không khí để xây dựng một đạo luật chuyên biệt, luật phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí.
Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành khác nhau liên quan đến ô nhiễm không khí để có thể xử lí sự cố xảy ra, trước mắt cần thành lập cơ quan chuyên trách, độc lập về bảo vệ môi trường không khí, nhà nước cấp đủ ngân sách cho quản lí, nghiên cứu, giám sát, kiểm soát, phòng ngừa ô nhiễm không khí.
Tổng kết
Quý độc giả vừa theo dõi xong bài viết “Ô nhiễm không khí là gì?” Hi vọng với những gì chúng tôi cung cấp, sẽ phản ánh được thực trạng cũng như sự ảnh hưởng, cách khắc phục một phần vấn nạn ô nhiễm không khí. Trước tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, mỗi chúng ta hãy hành động để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.

Cung cấp thông tin chính xác, tích cực cho người dân về nông nghiệp, nông sản Việt Nam. Cập nhật tin tức mới nhất về tình hình sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chia sẻ, phổ biến mô hình làm giàu hiệu quả và bền vững. Chia sẻ các kiến thức xã hội trong nhiều lĩnh vực khác như Giáo dục, du lịch,…
Ai phát minh ra điện? Khám phá lịch sử của điện
Ô Nhiễm Nguồn Nước: Nguyên Nhân, Hậu Quả và Biện Pháp
Ô Nhiễm Môi Trường Là Gì? Nguyên Nhân, Hậu Quả và Giải Pháp
Flex là gì? Giải mã trào lưu “Flex” khiến mạng xã hội “HOT rần rần”
Trung Thực Là Gì? Biểu Hiện Và Tầm Quan Trọng Của Lòng Trung Thực
Cháu Đích Tôn Là Gì? Vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong Gia Đình
Lòng Nhân Ái Là Gì? Cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa trong cuộc sống
- Đất nông nghiệp là gì? Quy định pháp lý và cách sử dụng hiệu quả
- Ai phát minh ra điện? Khám phá lịch sử của điện
- Ô Nhiễm Nguồn Nước: Nguyên Nhân, Hậu Quả và Biện Pháp
- Ô Nhiễm Môi Trường Là Gì? Nguyên Nhân, Hậu Quả và Giải Pháp
- Flex là gì? Giải mã trào lưu “Flex” khiến mạng xã hội “HOT rần rần”
- Trung Thực Là Gì? Biểu Hiện Và Tầm Quan Trọng Của Lòng Trung Thực
- Cháu Đích Tôn Là Gì? Vai trò, quyền lợi và trách nhiệm trong Gia Đình
- Lòng Nhân Ái Là Gì? Cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa trong cuộc sống
- Màu Tím hợp với màu gì? Cách phối đồ đẹp nổi bật và chất
- Ngày 1/4 là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Cá tháng Tư