Trang chủ » Tin Tức » Tin Tức Tổng Hợp » Tất Tần Tật Những Điều Cần Biết Về Mẫu Giấy Đi Đường Mới Nhất

Tất Tần Tật Những Điều Cần Biết Về Mẫu Giấy Đi Đường Mới Nhất

Theo dõi Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền trên

(Cập nhật: 03/11/2022 | 14:14)

Trước diễn biến vô cùng nguy hiểm và ngày càng phức tạp của đại dịch Covid-19. Hà Nội và các tỉnh đã khẩn trương thắt chặt hơn nữa nhằm bảo đảm việc giãn cách được thực hiện một cách hiệu quả. Một vấn đề đang rất được quan tâm và cấp bách đó là giấy đi đường. Đối tượng nào được cấp giấy đi đường, quy trình cấp ra sao? Mẫu giấy đi đường mới nhất như nào?

Trước đây, giấy đi đường chính là một loại văn bản được ghi nhận làm căn cứ chứng minh việc cử cán bộ, công nhân viên và người lao động đi làm việc thực tế theo yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị tổ chức. Giấy đi đường được sử dụng để thanh toán tiền công tác phí, tiền tàu xe, ăn ở về sau. Đã có nhiều văn bản quy định về mẫu giấy đi đường cho từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, hiện nay do tình hình dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp nên toàn địa bàn Thành phố Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Toàn thành phố đang thực hiện việc giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ để phòng chống dịch Covid. Do đó, chỉ có một số trường hợp đặc biệt mới được tham gia giao thông và cần phải có mẫu giấy đi đường chung nhất để kiểm soát vấn đề này.

Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã có Công văn hỏa tốc 2434/UBND-KT về việc thống nhất mẫu giấy tờ sử dụng cho một số đối tượng đủ điều kiện lưu thông trên địa bàn Thành phố trong thời gian giãn cách xã hội.

Đối tượng được cấp giấy đi đường

Công an thành phố Hà Nội đã có thông báo về đối tượng, trình tự, thủ tục xét duyệt và cấp giấy đi đường có mã nhận diện QR, Thẻ đi mua hàng thiết yếu theo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 trong Vùng 1 (Vùng đỏ). Cụ thể sẽ được chia làm 6 nhóm đối tượng như sau:

Nhóm đối tượng 1: Các cán bộ công chức, viên chức, người lao động thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đóng trên địa bàn thành phố (bao gồm cả cơ quan trực thuộc và tương đương); cơ quan tổ chức, ngoại giao.

Nhóm đối tượng 2: Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực dịch vụ thiết yếu sẽ do Phòng cảnh sát giao thông Công an thành phố cấp.

Nhóm đối tượng 3: Các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch.

Nhóm đối tượng 4: Cơ quan, báo chí truyền thông.

Nhóm đối tượng 5: Công dân được ra khỏi nhà trong các trường hợp sau:

– Người dân đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men do UBND xã, phường, thị trấn cấp duyệt theo đúng đối tượng quy định.

– Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh, mua thuốc định kỳ, đi tiêm vắc xin, xét nghiệm COVID-19, chăm sóc người bệnh và người xuất viện về).

– Cá nhân đi sân bay theo vé, cá nhân đi đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến tòa theo giấy triệu tập của tòa án

Nhóm đối tượng 6: Các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu bao gồm các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác sẽ do công an xã, phường, thị trấn cấp.

Quy trình cấp giấy đi đường mới

Quy trình cấp cho nhóm đối tượng 1, 3 và 4 do Thủ trưởng đơn vị cấp

Đối với nhóm đối tượng 1, 3 và 4 do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại chỉ thị số 16 của Thủ tướng. Nhóm đối tượng này vẫn tiếp tục sử dụng giấy đi đường cũ (mẫu giấy đi đường đang sử dụng trước đó).

Mẫu giấy đi đường do thủ trưởng đơn vị cấp

Quy trình cấp giấy đi đường cho nhóm đối tượng 2 do Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cấp (có gắn mã QR Code)

Bước 1: Cơ quan, đơn vị cử 1 cán bộ đại diện đến làm việc trực tiếp với cơ quan chủ quản (sở, ngành chức năng) để cung cấp thông tin, danh sách các cá nhân, người lao động, người điều khiển phương tiện mô tô, ô tô (theo biểu mẫu của Công an thành phố) để đề nghị xem xét cấp giấy đi đường có mã nhận diện QR Code.

Bước 2: Cơ quan chủ quản tổng hợp danh sách các cá nhân, người lao động, người điều khiển phương tiện đề nghị cấp giấy đi đường của các cơ quan, tổ chức có nhu cầu kèm theo các biểu mẫu của Công an thành phố.

Bước 3: Phòng cảnh sát giao thông căn cứ vào danh sách đề nghị của các cơ quan chủ quản, duyệt, in và ký, đóng dấu giấy đi đường

Bước 4: Đối với giấy đi đường có mã nhận diện (có ký, đóng dấu) cho các cá nhân và người điều khiển xe máy: Phòng cảnh sát giao thông gửi tới các cơ quan chủ quản để gửi cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân.

Đối với giấy đi đường có mã nhận diện của người điều khiển ô tô (không đóng dấu): Phòng cảnh sát giao thông gửi tới các cơ quan chủ quản (qua email). Cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường có mã nhận diện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân.

Nhóm đối tượng 5 ra đường không cần cấp giấy đi đường

Đối với nhóm 5 chỉ cần có giấy tờ chứng minh kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân và giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ (đối với cá nhân đi sân bay, đến tòa án, cơ quan ngoại giao).

Quy trình cấp cho nhóm đối tượng 6 do Công an xã/phường/thị trấn cấp (có mã QR Code)

Bước 1: Thủ trưởng đơn vị cử 1 cán bộ đại diện làm việc với công an xã, phường, thị trấn để cung cấp thông tin cần thiết theo quy định, cung cấp địa chỉ Email và thực hiện xác thực Email trên hệ thống với UBND và công an xã, phường, thị trấn.

Bước 2: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức lập danh sách cán bộ, công chức, công vụ đề nghị cấp giấy đi đường (theo biểu mẫu) và gửi về UBND các xã, phường, thị trấn qua địa chỉ email đã xác thực trên hệ thống.

Bước 3: UBND xã, phường, thị trấn, duyệt danh sách cấp giấy đi đường và chuyển cho công an xã, phường, thị trấn cấp giấy đi đường có mã nhận diện (ký, đóng dấu).

Bước 4: Cấp giấy đi đường: công an xã, phường, thị trấn trực tiếp gửi giấy đi đường có mã nhận diện tới các cơ quan, tổ chức theo địa chỉ đăng ký.

Mẫu giấy đi đường mới nhất

Mẫu giấy đi đường tại Hà Nội

Mẫu giấy đi đường mới nhất tại Hà Nội

Mẫu giấy đi đường mới nhất tại Hà Nội

Mẫu giấy đi đường tại Tp.Hồ Chí Minh

Mẫu giấy đi đường mới nhất tại tphcm

Mẫu giấy đi đường mới nhất tại Tp.HCM

Phương án phân vùng tại Thành phố Hà Nội

UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị 20/CT-UBND về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid 19 trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Theo Chỉ thị này, Hà Nội sẽ triển khai phòng, chống dịch theo 03 phân Vùng.

Vùng có nguy cơ rất cao là “vùng đỏ” được gọi là vùng 1, sẽ tiếp tục áp dụng chỉ thị 16 (16+) của Thủ tướng, siết chặt hơn các nguyên tắc phòng COVID-19.

Khu vực nguy cơ cao “vùng cam” là vùng 2 và nguy cơ thấp hơn “vùng xanh” là vùng 3. Ap dụng nguyên tắc chỉ thị 15 (15+) của Thủ tướng để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh…

Việc thiết lập 3 vùng dựa trên nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý – dân cư – sinh hoạt – sản xuất.

Theo hướng các vùng nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), vùng phía bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía tây, phía nam TP (sản xuất nông nghiệp).

Phân Vùng 1: Khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, tập trung nhiều khu vực, nhiều đối tượng nguy cơ rất cao.

– Phạm vi: Bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Trì, và một phần địa giới hành chính của 5 quận/huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín bao quanh bởi sông Nhuệ, kênh Cầu Ngà, sông Đáy, kênh Khê Tang, sông Tô Lịch, kênh Hồng Vân và sông Hồng về nội đô.

– Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Tiếp tục áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn.

Phân Vùng 2 (phía Bắc, Đông Sông Hồng): Được phân cách bởi hệ thống Sông Hồng, Sông Đuống với Vùng 1. Phòng chống nguy cơ xâm nhập phía Bắc, Đông Bắc. Trong Tam giác công nghiệp phía Bắc, có tính “độc lập” cao.

– Phạm vi: Toàn bộ địa giới hành chính của 05 quận/huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

– Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn để đẩy mạnh và duy trì sản xuất an toàn theo Phương án đã được phê duyệt.

Phân Vùng 3 (phía Tây, phía Nam Thành phố): Vùng sản xuất nông nghiệp và các Khu, Cụm Công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp.

– Phạm vi: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện/thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần của 05 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín chủ yếu được chia bởi Sông Nhuệ, Sông Đáy.

– Biện pháp áp dụng trong phòng, chống dịch: Thực hiện các biện pháp theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng một số biện pháp ở mức cao hơn theo nguyên tắc mỗi xã, phường, khu dân cư, khu sản xuất là một pháo đài chống dịch, kết hợp tuân thủ 5K và cách ly các khu dân cư khi có dịch.

Trên đây là tất cả những thông tin liên quan đến mẫu giấy đi đường mới nhất có QR code cho cá nhân/doanh nghiệp/tổ chức tại những địa phương đang thực hiện giãn cách. Hi vọng sẽ giúp ích được mọi người trong quá trình phải ra ngoài trong thời kỳ đầy căng go này. Chúc mọi nhà sức khỏe và bình an!.

5/5 - (2 bình chọn)
Chia sẻ: