Trang chủ » Đặc Sản » Nhớ Bánh Cuốn Hà Nội Không Nhân

Nhớ Bánh Cuốn Hà Nội Không Nhân

Theo dõi Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền trên

(Cập nhật: 24/09/2019 | 15:02)

Không nhân, nghĩa là chỉ thấy chút hành và loáng thoáng vài chấm mộc nhĩ chưng mỡ hiện lên mờ mờ dưới làn bánh trắng mỏng, thanh tịnh không có mảy may chút thịt nào.

Hôm nay https://thvm.vn/ sẽ chia sẻ cho các bạn một câu chuyện đầy cảm xúc của một việt kiều về món bánh cuốn Hà Nội quê hương.

“Một đĩa xinh xinh gồm 6 cái bánh bé được kéo nhỏ tanh tách cắt làm đôi, một túm rau mùi thơm ngát đặt bên trên và một thìa hành khô phi vàng được cẩu thả rắc vào, kèm một bát nước chấm điểm ớt đỏ tươi reo vui trong mắt.

Bánh cuốn Hà Nội

Bánh cuốn Hà Nội đã từng có từ thời bao cấp

Bánh cuốn Hà Nội đối với tôi những năm 90 vẫn là xa xỉ. Và đến tận bây giờ với tôi nó vẫn là một món đặc sản đậm hương vị quê hương. Mỗi lần có được nó là một lần vui sướng, hân hoan. Năm thứ nhất đại học, lần nào được nhận học bổng là cả lũ con gái lại rủ nhau tự thưởng cho mình món này.

Nhưng đó là thứ bánh cuốn không nhân cao cấp rồi.

Vào những năm 80, bánh cuốn không nhân của tôi cũng khác. Là thứ bánh cuốn của Hà Nội thời bao cấp. Thứ bánh không mua bằng tiền mà đổi gạo. Bình dân hơn. Không ngon bằng. Nhưng bây giờ ở xứ người nhớ lại, thì thương và nhớ nhiều hơn. Nhiều nhất…

Sáng Chủ Nhật, sau buổi tổng vệ sinh khu phố, cả nhà thảnh thơi đến lạ. Bố loay hoay sửa lại nan chuồng gà bị mèo cậy xộc xệch cả. Thuở ấy ở khu tập thể, ai chẳng nuôi gà, nuôi lợn dưới tầng một. Mẹ phơi quần áo một bên sân. Hai chị em tôi tha thẩn bắt bọ ngựa trong vườn. Thì bỗng: “Ai… đổi bánh cuốn đê..ê.. ..ê…!”.

Tiếng rao to, rõ ràng, kéo dài lê thê suốt cả dọc dãy nhà, tưởng chừng nhà nào cũng phải bật dậy vì nó. Giọng rao người tỉnh khác, luyến láy đến là vui tai. Hai chị em dỏng tai nghe rồi chẳng ai bảo ai, hấp tấp chạy ra cửa: “Bánh cuốn ơi…!”.

Hai đứa vừa gọi, mẹ đã ra theo, tay giữ cái rá đựng ít gạo để sẵn từ sớm đợi hàng bánh. Thứ gạo vàng vàng, đo đỏ, nhiều sạn… đem đi đổi thứ bánh trắng muốt, cho dù lá bánh dày khồm khộp chứ không mỏng manh như bánh cuốn Thanh Trì, thì cũng vẫn cứ là lãi! Cô hàng bánh sau khi mặc cả lấy lệ “Một cưn (kg) ăn cưn bảy”, thì thoăn thoắt hạ gánh hàng xuống, giở một bên mủng, lật lớp lá sen bên trên, bốc một tệp bánh mềm mại, bản to bằng cả bàn tay người lớn, để lên lá chuối, đặt vào cân tay.

Ngay lập tức, cái mùi đặc trưng của bánh cuốn Hà Nội dậy lên, hơi chua chua như mùi men bột, nhưng là vị chua dễ chịu, hứa hẹn nhiều điều vui thú. Cô hàng trút vào rá cho mẹ rồi lại quày quả gánh hàng đi, giọng rao vẫn vang vang rộn ràng, thoắt cái đã sang đến K5, K6, rồi đi xa hơn nữa… Hai chị em tôi đứng ngóng theo, thoáng nghe những tiếng “ơi” của nhà nào đó gọi bánh, lòng tự nhiên thấy vui vui.

Bánh cuốn Hà Nội không nhân

Bánh cuốn Hà Nội là món ăn dân giã hàng ngày

Vào đến nhà, đã thấy mẹ thái hành khô. Tôi nhanh nhảu phụ mẹ đặt chảo lên bếp, cho một thìa mỡ trắng vào, ngắm nhìn mỡ tan ra, tỏa mùi thơm ngầy ngậy. Một vốc hành khô làm gian bếp sực lên mùi ăn uống, mùi thức ngon, mùi vui sướng và hạnh phúc. Bởi trưa chủ nhật nào gia đình tôi cũng quây quần quanh mâm bánh cuốn như thế. Đối với tôi khi ấy, chẳng còn gì hạnh phúc hơn!

Xếp từng lớp bánh cuốn lên đĩa to, rưới hành phi lên trên mỗi lớp bánh, trịnh trọng đặt lên mâm nhôm. Bát nước chấm cũng đã sẵn sàng, hăng nồng mùi ớt và hạt tiêu. Một ít rau mùi rau thơm làm xanh một góc mâm, cũng đang khe khẽ tỏa hương, góp thêm vào mâm bánh cuốn một thứ vị không thể thiếu. Không có chả quế vỏ đỏ tươi, nhân vàng vàng điểm mỡ hạt lựu cắt từng miếng hình quả trám đâu! Món đó sau này mới có, khi ăn bánh cuốn không nhân “cao cấp” của những năm 90.

Lúc này, chỉ là một mâm bánh cuốn tráng dày, thô, trắng mỡ màng, lẫn lộn đủ thứ mùi vị: chua chua, cay cay, hăng hăng, thơm thơm… Thế thôi cũng đủ làm hai đứa bé háo hức, hai người lớn tủm tỉm cười.

Thế thôi cũng khiến một buổi trưa Chủ Nhật thêm đủ đầy niềm vui, bánh cuốn Hà Nội đủ cho tôi nhớ suốt cả một đời”.

Thụy Anh (từ Liên bang Nga) 

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ: