Bánh Dày Người Mông – Đặc Sản Điện Biên
(Cập nhật: 20/01/2022 | 11:36)
Tết của đồng bào Mông đúng dịp vùng cao thu hoạch mùa màng xong: lúa đã vào bồ; ngô, lạc, đậu tương chất đầy góc nhà… Không khí xuân tràn ngập núi rừng, nam nữ thanh niên người Mông khoát lên mình những bồ đồ đẹp nhất cùng nhau du xuân. Còn những người lớn tuổi trong làng thì mừng nhau con gà, và không thể thiếu được những chiếc bánh dày…
Mục lục
Nguyên liệu làm bánh dày của đồng bào dân tộc Mông
Nguyên liệu làm bánh hoàn toàn là các nguyên liệu từ thiên nhiên: Thóc nếp nương được chọn phải là nếp có gen gốc vùng cao, dẻo, thơm, không được pha tạp.
Gạo đồ cơm làm bánh dày được giã thủ công, nên khi phơi sấy cũng phải đủ nhiệt độ; nghĩa là không quá nắng để hạt gạo không gẫy nát, thơm ngon, vẫn còn lớp màng mịn bám ngoài hạt gạo tăng hương thơm cho bánh.
Nếp được đồ chín, hơi cơm tỏa thơm khắp các vùng bản (mỗi mẻ giã bánh dày tùy theo người làm song thường là 10kg nên phải đồ cùng lúc 2 chõ xôi). Chõ xôi được đổ cả vào cối giã nhuyễn khi hơi cơm vẫn nghi ngút bốc, hương thơm cơm mới quyến rũ lan tỏa. Cối giã bánh được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột như thuyền độc mộc.
Quá trình làm bánh dày người Mông
Chày giã bánh có 2 đầu, cán ở giữa, quá trình giã được xoa mỡ chống dính. Những thanh niên khỏe mạnh, trai tráng được chọn giã bánh, còn phụ nữ chuẩn bị lá gói bánh. Những tàu lá giong rừng xanh đậm, được rửa sạch bằng nước suối đầu nguồn, lau khô bằng khăn sạch.
Quá trình giã, các thanh niên khéo léo dùng chày đẩy dồn cuộn cơm dẻo về một phía sau đó giã lại theo chiều “cuốn chiếu” để cơm nhuyễn đều.
Cơm càng giã kỹ càng dẻo, tạo thành bột trắng mịn, dính quyện lấy nhau. Lúc này các thanh niên gác chày, nhường công đoạn gói bánh cho phụ nữ. Người ta dùng trứng gà luộc lên rồi lấy lòng đỏ trứng xoa lên tay và dụng cụ làm bánh để không dính tay và tăng độ thơm ngon cho chiếc bánh dày khi nặn bánh.
Những cuộn xôi được giã mịn màng, trắng ngần, còn nóng hổi được vo tròn, xếp vào lá dong. Màu trắng ngần của miếng bánh nổi giữa màu xanh của lá.
Điểm khác biệt nữa giữa những chiếc bánh dày của người Mông so với các loại bánh khác đó là bánh không hề có nhân bên trong, không dùng các loại gia vị. Chính nét đặc trưng này mà đã làm nên món ăn đặc sản miền Tây Bắc nổi tiếng. Bánh dày làm công phu nhưng lại có thể để được rất lâu. Người Mông có thể mang bánh dày nướng trên bếp than hồng, hay chấm với mật ong… hoặc ăn cùng với chả khi bánh còn mềm, ngon.
Ngày xuân, nơi đây thường tổ chức các cuộc thi làm bánh dày vừa để thưởng thức, vừa giữ được bản sắc văn hóa của món ăn cổ truyền của dân tộc.
Mặc dù rất nhiều dân tộc khác cũng có, nhưng cách làm và hương vị của nó sẽ không bao giờ giống như của người Mông.. Vì vậy, bạn hãy đến với Điện Biên để một lần được thưởng thức món quà của thiên nhiên và trực tiếp quan sát cách làm đầy nghệ thuật của những con người hiếu khách nơi đây.
>> Có thể bạn quan tâm đến: Cách gói bánh chưng
Cung cấp thông tin chính xác, tích cực cho người dân về nông nghiệp, nông sản Việt Nam. Cập nhật tin tức mới nhất về tình hình sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chia sẻ, phổ biến mô hình làm giàu hiệu quả và bền vững. Chia sẻ các kiến thức xã hội trong nhiều lĩnh vực khác như Giáo dục, du lịch,…