Trang chủ » Kỹ thuật Nông nghiệp » Kỹ thuật trồng trọt » Chiết cành là gì? Tổng hợp cách chiết Cành cơ bản hiệu quả nhất

Chiết cành là gì? Tổng hợp cách chiết Cành cơ bản hiệu quả nhất

Theo dõi Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền trên

(Cập nhật: 09/04/2024 | 10:07)

Chiết cành là phương pháp phổ biến để nhân giống các loại cây trồng thân gỗ. Phương pháp này phù hợp với các loại cây lâu năm với thời gian sinh trưởng dài. Cách chiết cành vô cùng đơn giản và dễ thực hiện.

Để hiểu rõ hơn chiết cành là gì, ưu điểm của phương pháp chiết cành cũng như cách chiết cành cơ bản đơn giản nhất với tỉ lệ thành công lên tới 100%. Mời bạn theo dõi bài viết này của Công Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền nhé.

Chiết cành là gì?

Chiết cành là phương pháp nhân giống sinh dưỡng. Bằng cách tạo rễ cho một cành ở nguyên trên cây. Sau đó, tiến hành tách khỏi cây mẹ và đem trồng thành cây mới. Chiết cành giữ được hoàn toàn tính di truyền của cây mẹ và có thể cho ra hoa/trái ở năm đầu tiên. Phương pháp chiết cành có hệ số nhân giống thấp. Nên thường chỉ áp dụng cho cây khó nhân giống bằng hom hoặc bằng cách ghép mầm.

chiết cành là gì

Chiết cành là phương pháp phổ biến để nhân giống các loại cây thân gỗ. Phương pháp này phù hợp với các loại cây lâu năm thời gian sinh trưởng dài. Cách thực hiện dễ dàng, tỉ lệ thành công có thể lên tới 100%. Mỗi loại cây sẽ có một phương pháp chiết khác nhau.

Phương pháp chiết cành thường dùng cho các giống cam, quýt, bưởi… Hiện tại phương pháp chiết cành đang dần được thay thế bằng phương pháp ghép. Tuy nhiên, đối với các giống cây ăn quả như chanh, vải, nhãn, mơ, mận, hồng xiêm, khế, roi… vẫn được áp dụng phổ biến.

Ngoài ra một số cây trồng khác thường được chiết cành:

  • Chiết cành mai, hoa hồng, hoa giấy;
  • Chiết cành xoài, đào, mít, khế,…

>> Tham khảo ngay: Cách chiết cành Bưởi cho cây con ra Rễ nhanh và khỏe mạnh

Ưu điểm của phương pháp chiết cành là gì?

Chiết cành là phương pháp dễ thực hiện, cây chiết có tỷ lệ sống cao. Với khả năng sinh trưởng và phát triển nhanh khỏe. Những cây thấp có tán gọn, dễ dàng chăm sóc, quả ra sớm và thu hoạch nhanh chóng.

Bảo tồn hệ gen: ở các loại cây có bộ gen thay đổi liên tục như cây sứ, hoa lan… Nếu dùng phương pháp gieo hạt, nuôi cấy mô để nhân giống cây con sẽ chỉ giống các đặc điểm của cha mẹ 50%. Để giữ được nguyên bản bộ gen cha mẹ thì chiết cành là phương pháp tốt nhất.

Rút ngắn thời gian sinh trưởng: cành thích hợp để nhân giống là cành đã trưởng thành, không lựa cành quá già. Các cành này đủ khỏe để tự sống sau khi tách khỏi thân mẹ. Thời gian để cây chiết cành cho hoa, trái ngắn hơn nhiều so với khi gieo hạt hoặc tách cây con…

An toàn, dễ dàng: đối với các loại cây quý phương pháp chết cành rất thích hợp. Bởi vì phương pháp này rất dễ thực hiện. Nếu thực hiện đúng tỷ lệ thành công có thể lên tới 100%. Hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà.

ưu điểm của phương pháp chiết cành là gì

Nhược điểm của chiết cành là gì?

Tuy nhiên phương pháp này cũng có một số khuyết điểm như cây chiết sẽ nhanh chóng bị già cỗi. Và cây mẹ dễ bị tổn thương nếu vết cắt không chính xác. Cụ thể hơn:

Số lượng: bạn chỉ có thể chiết tối đa vài cành một lúc. Thời gian chiết thành công mỗi cây mất từ 2 tuần tới một tháng. So với phương pháp gieo hạt hoặc nuôi cấy mô có thể nhân giống hàng nghìn cây một lúc.

Chủng loại: chỉ có một vài loại cây có thể sử dụng phương pháp chiết cành được. Các loại cây thân thảo, thân leo không thể thực hiện phương pháp này.

Thời vụ chiết cành

Lựa chọn thời vụ thích hợp để tiến hành chiết cành là rất quan trọng, khi đó cành chiết mới được khỏe mạnh và cho hiệu quả tốt trong quá trình phát triển về sau. Theo kinh nghiệm thì nên tiến hành chiết cành vào 2 thời vụ chính sau đây:

  • Vụ xuân hè: Tiến hành chiết cành vào tháng 3 và tháng 4
  • Vụ thu đông: Tiến hành chiết cành vào tháng 9

Trước khi chiết cành khoảng 1 đến 2 tháng thì bạn cần phải chăm sóc cây mẹ thật tốt để cây phát triển, khỏe mạnh, nhựa cây lưu thông mạnh, cành chiết sẽ nhanh chóng ra rễ hơn.

Hướng dẫn chọn cây và cành chiết

Chọn cây

Nên chọn những cây đã ra quả từ 3-5 vụ, chọn những cây có chất lượng và năng suất cao, ổn định, cây sinh trưởng khoẻ và không bị sâu bệnh.

Chọn cành

Tránh chọn những cành thấp, già, không mọc trên ngọn, cành vượt hoặc bị nhiễm sâu bệnh. Lựa chọn tốt nhất là những cành ở giữa tầng, mập mạp, lá xanh tốt và tán phơi ngoài ánh sáng. Với đường kính cành được chọn chiết ở khoảng 1-1,5 cm là phù hợp.

Vỏ cây cũng không được có màu quá thẫm hoặc quá xanh. Cũng không chọn cành quá già hoặc non. Chiều dài cành chiết trung bình khoảng 40 cho đến 50 cm và trên mỗi cành như vậy sẽ có 2 nhánh con.

Với phương pháp chiết cành thì cành nhỏ có khả năng ra rễ, sinh trưởng tốt hơn cành to, nhưng không nên chiết cành nhỏ quá, cành dễ bị gãy, không mang nổi bầu, không tách thân mẹ được. Cây chiết cũng sẽ nhanh chết cho gió, mưa hoặc thể trạng suy yếu.

cách chiết cành

Cách chiết cành thành công 100%

Để tự tay chiết cành thành công 100% thì bạn hãy tiến hành theo quy trình kỹ thuật chiết cành với 5 bước dưới đây của Thvm:

Bước 1: Khoanh vỏ

  • Dùng con dao sắc khoanh tròn 2 đầu cành chiết; Khoảng cách giữa 2 vết khoanh khoảng 3 – 5 cm, cách gốc cành 10 – 15 cm.
  • Sau đó dùng đầu dao luồn vào tách nhẹ nhàng lớp vỏ trong vùng đã khoanh.
  • Sử dụng dao cạo hết chất nhờn trên bề mặt để loại bỏ lớp tế bào thượng tầng rồi tiếp tục lau sạch vết cắt bằng giẻ sạch.

Lưu ý: Nên có kéo khoanh vỏ, việc cắt hai đường vỏ cây sẽ dễ dàng và chuyên nghiệp hơn.

Bước 2: Chuẩn bị đất bó bầu

  • Cành chiết nên được nuôi dưỡng trong bầu đất cho đến khi cứng cáp rồi mới đem ra trồng; Có thể chọn đất bầu là đất bùn ao phơi khô hoặc đất vườn.
  • Tỉ lệ thích hợp cho bầu: 2 phần đất kết hợp 1 phần nguyên liệu bổ sung. Độ ẩm bão hòa ở mức khoảng 70%. Nên đập nhỏ đất, trộn đất cùng với trấu bổi cùng phân chuồng ủ mục và rơm rác mục hoặc rau lục bình để tăng độ dinh dưỡng cho đất.
  • Đường kính bầu khoảng 6 – 8 cm, cân nặng khoảng 150 – 300g và chiều cao khoảng 10 – 12 cm. Không nên làm bầu quá nhỏ hoặc quá to sẽ khiến cành khó ra rễ và khó di chuyển.

Bước 3: Cách chiết cành

Thời tiết: Thực hiện chiết cành vào ngày có thời tiết tốt, mát mẻ và nắng nhẹ. Nên thực hiện cắt khoanh vỏ vào buổi sáng. Dùng một con dao sắc cắt tránh cắt vào phần gỗ.

Thời gian bó bầu: Tùy thuộc vào các giống cây trồng khác nhau sẽ có thời gian khác nhau. Ví dụ, các loại cây có nhiều nhựa mủ như hồng xiêm, trứng gà thì nên phơi nắng tối thiểu 7 ngày sau đó mới bó bầu, còn các giống ít nhựa mủ hơn như các cây có múi, nhãn, vải… thì nên phơi nắng tối thiểu 2-3 ngày sau đó mới bó bầu.

Nguyên liệu, dụng cụ để bó bầu: Bao gồm đất, giấy nilon và dây bó,… Nên dùng đất đã qua xử lý để bó bầu, dàn đất mỏng rồi sử dụng giấy nilon bao quanh bầu đất lại. Dùng dây cố định lại bầu, buộc chặt 2 đầu túi bầu sao cho bầu chiết cành không bị xoay tròn.

Bước 4: Cắt cành chiết

Sau khi chiết từ 45 – 60 ngày: Rễ sẽ mọc ra, tuy nhiên tùy thuộc vào loại cây và mùa vụ thời gian mọc rễ sẽ rút ngắn hoặc kéo dài.

Rễ cây khi từ màu trắng nõn chuyển sang màu hơi xanh hoặc vàng thì có thể cưa cành chiết và giâm vào vườn ươm để tiếp tục chăm sóc.

Bước 5: Hạ bầu chiết

Trước khi hạ bầu chiết cần cắt bớt những lá già, lá bị sâu và một phần lá non. Mật độ giâm cành chiết 20×20 cm, hoặc 30×30 cm.

Không nên giâm cành chiết quá dầy, rễ và mầm cành phát triển kém, khi bứng đi trồng khó khăn. Trước khi hạ bầu, xé bỏ giấy nilon, dùng đất màu lấp cách cổ bầu 3-5 cm, tưới đẫm nước, nên che bớt 50% ánh sáng tự nhiên, hàng ngày tưới 2 lần như trên.

Sau 5-10 ngày chuyển sang chế độ 1-2 ngày tưới 1 lần tùy theo độ ẩm đất. Có thể ra ngôi cành chiết trong túi nilon hay sọt tre và chăm sóc như với cây giâm cành.

Sau khi hạ bầu 15 – 20 ngày, bỏ bớt mái che để cây quen dần với ánh sáng tự nhiên. Đến ngày thứ 30 bắt đầu tưới nước phân đã ngâm kỹ và chăm sóc như cây con. Sau giâm cành chiết từ 45-60 ngày có thể đánh cây đi trồng.

Như vậy là chúng ta đã tìm hiểu xong chiết cành là gì, ưu điểm của phương pháp chiết cành là gì, cách chiết cành cơ bản dễ dàng thực hiện thành công 100%. Qua bài viết này Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền hi vọng các bạn có thể tự tay chiết và chăm sóc cây con đạt chất lượng tốt nhất mà không làm mất đi đặc tính của cây mẹ. Chúc các bạn thành công!.

5/5 - (7 bình chọn)
Chia sẻ: