Thị Xã Kinh Môn: Tự hào mảnh đất quê hương
(Cập nhật: 12/04/2020 | 1:11)
Thvm – Kinh Môn là một vùng đất nằm ở cuối tỉnh Hải Dương. Trước đây Kinh Môn là một huyện và mới lên Thị Xã ngày 01 tháng 11 năm 2019.
Thị xã Kinh Môn thuộc vùng bán sơn địa, được hình thành với dãy núi đá xanh làm xương sống của thị xã. Nằm trong cánh cung Đông Triều, Kinh Môn có cảnh trí đẹp bởi những núi đá xanh rải rác, các dòng sông bao bọc và những cánh đồng bát ngát.
Thị xã Kinh Môn có 23 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 14 phường: An Lưu, An Phụ, An Sinh, Duy Tân, Hiệp An, Hiệp Sơn, Hiến Thành, Long Xuyên, Minh Tân, Phạm Thái, Thái Thịnh, Phú Thứ, Tân Dân, Thất Hùng và 9 xã: Bạch Đằng, Hiệp Hòa, Lạc Long, Lê Ninh, Hoành Sơn, Minh Hòa, Quang Thành, Thăng Long, Thượng Quận.
Là một người con được sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất thân yêu này, gắn bó biết bao kỷ niệm. Với niềm tự hào quê hương và sự xúc động, tôi viết bài này muốn gửi tặng đến những con người Kinh Môn thân thương.
Kinh Môn lên thị xã – Nỗ lực của một huyện vùng xa
Mặc dù là vùng đất còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của chính quyền và người dân nơi đây, huyện Kinh Môn đã được chọn để lên thị xã. Trong đó 14/ 23 đơn vị hành chính đã được lên phường, và con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Quá trình phát triển của Kinh Môn
Ngược dòng lịch sử, trước đây vùng đất thuộc phủ Kinh Môn nằm giữa Chí Linh quê gốc và Dương Kinh. Kinh Môn là nơi sinh sống của An Sinh vương Trần Liễu, thân sinh Đức Thánh Hưng Đạo đại vương. Cụ thể ngày nay thuộc xã An Sinh, dưới chân núi An Phụ.
Ngoài ra, là mảnh đất từng ghi dấu ấn của nhiều nhân vật lịch sử lẫy lừng như danh sĩ Phạm Sư Mệnh, Phạm Mại, Phạm Ngộ, Nguyễn Húc hay Nguyễn Đại Năng – ông tổ nghề châm cứu Việt Nam…
Nơi đây có 202 di tích, trong đó có 37 di tích được xếp hạng. Nổi bật nhất là quần thể di tích quốc gia đặc biệt với đỉnh non thiêng đền Cao An Phụ và chùa Tường Vân cổ kính, khu hang động Kính Chủ được mệnh danh “Nam Thiên đệ lục động” – nơi lưu giữ hệ thống bia Ma Nhai đã trở thành bảo vật quốc gia, di tích khảo cổ học chùa Nhẫm Dương – nơi phát tích, chốn tổ của thiền phái phật giáo Tào Động Việt Nam.
Trải qua bao thăng trầm thời gian, tâm linh lịch sử, con người nơi đây vẫn đứng vững và phát triển. Kinh Môn tương đối đặc biệt so với các huyện khác của tỉnh vốn được mệnh danh là tỉnh nông nghiệp. Ngày nay, Kinh Môn được xếp vào huyện miền núi, nhiều xã là xã miền núi trong danh sách hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Trước đây, vị trí của Hoàng Thạch bây giờ là khu vực vốn đìu hiu, nghèo nàn nhất của huyện, chậm phát triển nhất tỉnh, thì nay lại là nơi có khu vực công nghiệp xi măng lớn nhất nước, đô thị hóa rất nhanh, ra đời đồng thời hai thị trấn lớn.
Khu vực này đúng là một con gà gáy cả ba tỉnh cùng nghe, là nơi ngã ba tiếp giáp biên giới của Kinh Môn (Hải Dương) – Đông Triều (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng). Huyện được chia thành hai phần bởi dãy núi An Phụ, phần Tây tiếp giáp sông Kinh Môn chạy song song với quốc lộ số 5 ruộng đồng bằng phẳng, từ Thăng Long, Quang Trung giáp Bến Tuần Mây kéo đến bến Nống (An Lưu) là một cánh đồng vựa lúa.
Phần bên còn lại của dãy núi An Phụ, có sông Kinh Thầy bồi đắp phù sa. Sông này là nơi hình thành nghề chài lưới của những con người lưu dậm dấu vết trong sử sách.
Công nghiệp hóa hiện đại hóa
Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hải Dương, Kinh Môn tiếp giáp với tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng. Đây được mệnh danh là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú với trên 200 di tích lịch sử văn hóa và hàng trăm lễ hội, ngành nghề truyền thống được bảo tồn và giữ nguyên giá trị.
Quần thể di tích An Phụ – Kính Chủ – Nhẫm Dương đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt là nơi lưu truyền nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, giá trị tôn giáo và bảo vật quốc gia. Trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, quân và dân Kinh Môn luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương, đất nước.
Trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Kinh Môn đã giành nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, trở thành một đô thị trẻ, năng động, trung tâm công nghiệp của tỉnh và khai thác có hiệu quả nông nghiệp.
Trong 5 năm qua, kinh tế Kinh Môn tăng trưởng bình quân đạt 12,5%/năm, quy mô kinh tế luôn thuộc tốp đầu tỉnh. Tổng giá trị sản xuất năm 2019 đạt trên 48.000 tỷ đồng. Thị xã hiện có trên 900 doanh nghiệp, tạo việc làm cho gần 30.000 lao động.
Kết cấu hạ tầng thị xã được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên. Năm 2017, Kinh Môn được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
Thành lập thị xã Kinh Môn
Tháng 3/2019, huyện Kinh Môn được công nhận là đô thị loai IV và ngày 11/9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về thành lập thị xã Kinh Môn với các phường, xã trực thuộc cụ thể.
Ngày 01/11/2019 Kinh Môn trở thành thị xã là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước ngoặt lịch sử cho sự phát triển tiếp theo của quê hương Kinh Môn. Đồng thời, là niềm vinh dự tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Kinh Môn và của tỉnh Hải Dương.
Với lợi thế riêng có về địa lý và tài nguyên khoáng sản, Kinh Môn có ngành công nghiệp phát triển với 7 cụm công nghiệp và trên 900 doanh nghiệp hoạt động. Tiêu biểu như các Công ty lớn như Xi măng Hoàng Thạch, Thép Hòa Phát, Năng lượng Hòa Phát, Xi măng Phúc Sơn, Công ty Vật liệu xây dựng Thành Công III, Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương…
Các doanh nghiệp trên địa bàn đã tạo việc làm cho gần 30.000 lao động, đóng góp tới 30% ngân sách của tỉnh. Không chỉ là một trung tâm công nghiệp, thị xã Kinh Môn còn được cả nước biết đến là địa phương có nền nông nghiệp phát triển toàn diện. Riêng diện tích cây vụ đông của thị xã đã đạt trên 4.200 ha với vùng hành tỏi tập trung có quy mô lớn nhất nhì cả nước.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam” là nếp cái hoa vàng, hành tỏi, sắn dây được tôn vinh là sản phẩm vàng trong nông nghiệp Hải Dương… Năm 2017, Kinh Môn được Thủ tướng Chính phu công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên tỉnh Hải Dương.
Tiếp đó, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội thừa ủy quyền của Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Kinh Môn, các phường, xã thuộc thị xã Kinh Môn và trao Huân chương Lao động hạng nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kinh Môn.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phấn khởi chúc mừng thị xã Kinh Môn, địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương và nỗ lực vượt bậc đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Trở thành thị xã là dấu mốc quan trọng, bước khởi đầu mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kinh Môn.
Thời gian tới tôi đề nghị thị xã Kinh Môn tiếp tục nỗ lực vượt bậc, quyết tâm đột phá, cùng với thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra. Tăng cường đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đô thị, thu hút đầu tư và tích cực chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế hiệu quả và cạnh tranh theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng.
Tương lai gần sẽ xứng đáng là đô thị quan trọng, đô thị thông minh, hiện đại, đáng sống và trở thành thành phố trước năm 2030, góp phần đưa tỉnh Hải Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Lời Kết
Từ một mảnh đất miền núi thuần nông và nghèo nàn, Kinh Môn đã nỗ lực chuyển mình để nay trở thành thị xã và là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nói riêng, của cả nước nói chung. Sự thành công này không thể phủ nhận được vai trò của các bậc lãnh đạo, ban ngành và người dân trong huyện. Thị xã Kinh Môn sẽ ngày càng đổi mới, thay da đổi thịt để chúng ta luôn tự hào là người con của mảnh đất anh hùng này.
Đưa tin: Thvm
Google Maps Thị Xã Kinh Môn
Cung cấp thông tin chính xác, tích cực cho người dân về nông nghiệp, nông sản Việt Nam. Cập nhật tin tức mới nhất về tình hình sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chia sẻ, phổ biến mô hình làm giàu hiệu quả và bền vững. Chia sẻ các kiến thức xã hội trong nhiều lĩnh vực khác như Giáo dục, du lịch,…
Bài viết cùng chuyên mục
- Mô hình “Thôn Thông Minh” trong xây dựng nông thôn mới
- Biến đổi khí hậu đe dọa ngành sản xuất nông nghiệp Việt Nam
- Nông nghiệp lúa nước: Lịch sử, Phương pháp và Tác động đến Môi trường
- IOT trong nông nghiệp là gì? Các ứng dụng điển hình của IOT
- Nông Nghiệp Là Gì? Ngành Nông Nghiệp Nước Ta Hiện Nay
- Hoa Sứ – Loài hoa của sức sống mãnh liệt nơi khô cằn
- Các Loại Trâu Trên Thế Giới
- 1 LON Bò Húc bao nhiêu calo? Uống bò húc có béo, có tốt không?
- Bò Húc Đun Sôi và sự thật được tiết lộ
- Lào Cai thiệt hại hơn 750 tỷ đồng do cây trồng thiếu nước