Trang chủ » Hỏi đáp » Hỏi đáp trồng trọt » Phân bón hóa học là gì? Các loại phân hóa học thường dùng nhất

Phân bón hóa học là gì? Các loại phân hóa học thường dùng nhất

Theo dõi Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền trên

(Cập nhật: 10/08/2023 | 11:27)

Phân bón hóa học hay còn được gọi là phân bón vô cơ, là những hóa chất chứa nhiều nguyên tố dinh dưỡng. Chúng được bón cho cây để cải thiện chất dinh dưỡng trong đất, nhằm nâng cao năng suất cây trồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt lợi, phân bón hóa học còn có những nhược điểm gây ra phiền toái đến chất lượng cây trồng và môi trường đất của chúng ta. Trong bài viết này, Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu phân bón hóa học là gì? Đặc điểm, phân loại, ưu và nhược điểm của các loại phân hóa học ra sao?.

Phân bón hóa học là gì?

Phân bón hóa học là chất xúc tác không thể thiếu trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, với vai trò cung cấp cho cây trồng những nguyên tố dinh dưỡng thiết yếu, tạo nên sản lượng để có một mùa màng bội thu. Những loại phân bón sản xuất từ hóa chất hoặc từ các khoáng chất từ tự nhiên thì được gọi là phân bón hóa học. Những hợp chất hóa học này chứa các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết như N, P, K, Cu, Zn, B, Ca, Mg,… được bón cho cây nhằm tăng năng suất.

phân bón hóa học là gì

Các loại phân bón hóa học thường dùng

Với các thành phần nguyên tố dinh dưỡng khác nhau, có tác dụng riêng biệt mà phân hóa học được chia thành 3 nhóm phân cơ bản (được gọi là phân đơn) gồm: phân đạm, phân lân và phân kali. Một số loại phân bón hóa học khác như phân hỗn hợp, phân phức hợp và phân vi lượng.

Phân đơn

Là những loại phân bón trong thành phần có yếu tố dinh dưỡng đa lượng N, P2O5 hữu hiệu hoặc K2O hữu hiệu.

Phân đạm

Phân đạm là loại phân bón hóa học được sử dụng rộng rãi và cực kì phổ biến hiện nay. Chúng đóng vai trò quan trọng cho việc kích thích sự sinh trưởng, giúp cây trồng phát triển nhanh hơn, cho ra nhiều thành phẩm chất lượng như hạt, củ hoặc quả. Phân đạm sẽ cung cấp Nitơ hóa hợp cho cây dưới dạng ion Amoni (NH4+) và Nitrat (NO3-). Hàm lượng phần trăm Nitơ có trong phân sẽ quyết định mức độ dinh dưỡng của phân đạm.

phân đạm

Dưới đây là các loại phân đạm phổ biến nhất:

Phân đạm Amoni

Phân đạm amoni là sản phẩm của các muối Amoni, điển hình như NH4Cl, (NH4)2SO4, NH4NO3… Để điều chế phân đạm Amoni, người ta cho Amoniac tác dụng với axit tương ứng.

Ví dụ: 2NH3 + H2SO4 → (NH4)2SO4

Tính chất của phân đạm Amoni:

  • Dễ tan trong nước giúp cây dễ hấp thu, đồng thời cũng dễ bị rửa trôi bởi nước
  • Thành phần của nó chứa gốc bazơ (NH4+), nên khi gặp nước dễ làm tăng độ chua của đất. Chính vì thế, phân đạm Amoni không thích hợp để sử dụng với đất chua

Phân đạm Nitrat

Phân đạm Nitrat là sản phẩm của muối nitrat như NaNO3, Ca(NO3)2… Phân đạm Nitrat được điều chế bằng phản ứng giữa axit nitric và muối cacbonat.

Ví dụ: CaCO3 + 2HNO3 → Ca(NO3)2 + CO2 + H2O

Tính chất của phân đạm Nitrat: Tan nhiều trong nước, rất dễ chảy. Vì thế, khi bón phân đạm Nitrat cho đất nó có tác dụng nhanh chóng với cây trồng nhưng cũng rất dễ bị rửa trôi khi gặp nước mưa.

Phân Ure

Phân Ure với công thức hóa học là (NH2)2CO có chứa tới 46% N, là loại phân đạm tốt nhất hiện nay. Phân Ure được điều chế bằng cách cho Amoniac tác dụng với CO2 ở nhiệt độ 180 – 200 độ C, áp suất khoảng 200 atm.

Ví dụ: CO2 + 2NH3 → (NH2)2CO + H2O (nhiệt độ, P)

Tính chất của phân Ure:

  • Urê là chất rắn màu trắng, tan trong nước rất tốt và dễ bị chảy nước giống như các loại phân đạm khác
  • Trong đất, Urê bị phân hủy dưới tác dụng của vi sinh vật. Sản phẩm tạo ra là amoniac hoặc chuyển dần thành muối cacbonat khi gặp nước (NH2)2CO + 2H2O → (NH4)2CO3

Phân lân

Bên cạnh phân đạm, phân lân cũng là một loại phân bón hóa học rất quan trọng. Phân lân cung cấp photpho cho cây trồng trong thời kỳ sinh trưởng, thúc đẩy quá trình sinh hóa, trao đổi chất và năng lượng của cây trồng. Độ dinh dưỡng của phân lân tùy thuộc vào tỉ lệ phần trăm khối lượng của P2O5 có trong thành phần.

phân lân

Nguyên liệu để sản xuất ra phân lân là apatit và quặng photphoric. Hai loại phân lân được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, đó là: Supephotphat và phân lân nung chảy.

Supephotphat

Supephotphat được chia thành 2 loại:

Supephotphat đơn: Gồm 2 muối Ca(H2PO4)2 (dễ tan) và CaSO4 (không tan, làm rắn đất). Chứa từ 14 – 20% P2O5. Chúng được điều chế bằng cách cho bột quặng photphorit hay apatit tác dụng với axit sunfuric đặc: Ca3(PO4)2 + 2H2SO4 (đặc) → Ca(H2PO4)2 + 2CaSO4 (kết tủa)

Supephotphat kép: Chứa hàm lượng P2O5 từ 40-50%, vì chỉ có Ca(H2PO4)2.

Loại phân bón hóa học này được điều chế qua 2 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: Điều chế axit photphoric Ca3(PO4)2 + 3H2SO4 → 2H3PO4 + 3CaSO4 (kết tủa)
  • Giai đoạn 2: Cho axit photphoric tác dụng với apatit hoặc photphorit Ca3(PO4)2 + 4H3PO4 → 3Ca(H2PO4)2

Phân lân nung chảy

Phân lân nung chảy với thành phần chính là hỗn hợp photphat và silicat của canxi và magie. Chúng chứa từ 12 – 14% P2O5, chỉ thích hợp với loại đất chua vì muối này không tan trong nước và chỉ thích hợp với đất chua.

Phân lân nung chảy được điều chế như sau: Nung hỗn hợp bột quặng apatit, đá xà vân và than cốc trong nhiệt độ trên 1000 độ C, lò đứng. Sản phẩm nóng chảy sau đó được làm nguội nhanh bằng nước, sấy khô và nghiền bột để tạo thành phân lân.

Phân Kali

Phân kali là một loại phân bón hóa học cung cấp cho cây trồng nguyên tố kali dưới dạng ion K+. Trong nông nghiệp, phân bón hóa học kali thường được sử dụng bón cùng với các loại phân bón khác, giúp thúc đẩy quá trình tạo ra chất xơ, chất đường, chất dầu, tăng khả năng chịu hạn, chịu rét, và chống sâu bệnh cho cây trồng. Hàm lượng dinh dưỡng của phân Kali được quyết định dựa vào tỷ lệ phần trăm khối lượng K2O có trong bảng thành phần.

Muối KCl và K2SO4 là thành phần được sử dụng nhiều nhất trong việc sản xuất phân kali. Tro thực vật có chứa K2CO3 trong thành phần cũng được xem là một loại phân kali. Độ dinh dưỡng ở phân kali được đánh giá dựa vào tỷ lệ phần trăm khối lượng K2O tương ứng với lượng K trong thành phần. Để điều chế phân kali, 2 muối KCl và K2SO4 được sử dụng nhiều nhất. Tro thực vật có chứa K2CO3 cũng được xem là một loại phân kali.

Phân hỗn hợp

Phân hỗn hợp hay còn được gọi là phân NPK. Thành phần của phân hỗn hợp bao gồm: Nitơ, Photpho, Kali. Ví dụ, nitrophotka là hỗn hợp của KNO3 và (NH4)2HPO4. Tùy thuộc vào từng loại cây trồng, loại đất trồng mà người ta lựa chọn loại phân có tỷ lệ N:P:K phù hợp.

Được tạo thành bằng cách phối trộn hai hay nhiều loại phân vô cơ như phân đa – trung – vi lượng.

Có 3 hình thức phối trộn là

  • Trộn và vê thành viên
  • Trộn các loại phân khô với nhau một cách cơ giới
  • Sản xuất với nhiều các yếu tố lỏng

Phân phức hợp

Phân phức hợp là loại phân có chứa hỗn hợp các chất được tạo ra đồng thời bằng tương tác hóa học của các chất. Chẳng hạn, cho amoniac tác dụng với axit photphoric, ta thu được phân phức hợp amophot có chứa hỗn hợp của muối NH4H2PO4 và (NH4)2HPO4.

Có chứa từ hai nguyên tố dinh dưỡng trở lên được sản xuất bằng việc liên kết, kết hợp các thành phần lại với nhau để xuất hiện các phản ứng hóa học giữa các thành phần, sản phẩm cuối cùng kết quả là một hợp chất ổn định, có hàm lượng dưỡng chất cao.

Phân DAP (Diamon photphat)

Trong thành phần có chứa hai dưỡng chất chính là lân P2O5 chiếm 44-46% và đạm (N) chiếm 16-18%. Thích hợp sử dụng cho các loại đất phèn, đất bazan, cung cấp đồng thời hai dưỡng chất đạm và lân cho cây. Phân DAP không thích hợp để bón cho cây lấy củ, đất cát, đất bạc màu, các chân đất đang thiếu kali.

Phân kali nitrat (KNO3)

Đây là loại phân đắt tiền, có giá trị cao, thích hợp để kich thích cây trồng ra hoa. Là loại phân kali phức hợp, có 45 – 46% trong thành phần là K2O và 13% là đạm.

Phân vi lượng

Giống như những loại phân hóa học khác, phân vi lượng là một loại phân cung cấp cho cây trồng nguyên tố dinh dưỡng như kẽm, bo, đồng, mangan, molipden,… giúp tăng khả năng sinh trưởng, trao đổi chất và tăng hiệu lực quang hợp của cây trồng.

Phân vi lượng thường được bón cho đất với một hàm lượng nhỏ, kết hợp với phân hữu cơ vi sinh hoặc phân vô cơ. Phân vi lượng sẽ chỉ mang lại hiệu quả cho từng loại cây và từng loại đất, chúng sẽ gây hại cho cây nếu được dùng với hàm lượng không hợp lý.

lợi ích của phân bón hóa học

Những lợi ích của phân bón hóa học

Tăng năng suất cho cây trồng: Đây là lợi ích quan trọng nhất từ việc bón phân mang lại, Bón phân cung cấp các dưỡng chất đủ điều kiện để cây trồng sinh trưởng và phát triển ổn định, tối đa hóa năng suất cây trồng.

Giúp đất tăng độ phì nhiêu: Người canh tác cần tính toán được lượng phân bón nên được sử dụng và canh thời điểm bón phân đúng lúc, kết hợp với các dưỡng chất hữu cơ có sẵn trong đất để thúc đẩy sự hoạt động của các vi sinh vật có ích. Đảm chất dinh dưỡng có chứa trong đất giúp cây trồng sinh trưởng, hoạt động sản xuất đạt năng suất cao.

Kích thích ra hoa, ra rễ: Phân bón là điều kiện cần có để tổng hợp protein, giúp cây phát triển một cách ổn định nhất. Tăng sức đề kháng cho cây, giúp cây khỏe mạnh chống chọi lại dịch bệnh, hạn hán, các điều kiện xấu từ môi trường một cách tốt nhất. Đặc biệt là có thể kích thích cây ra rễ và nở hoa.

>> Xem thêm: Tìm hiểu phân bón lá và cách sử dụng sao cho đạt hiệu quả nhất

Tác hại của việc sử dụng phân bón hóa học?

Lạm dụng phân bón hóa học, bón không cân đối, không đúng cách, bón quá nhiều trong thời gian dài đã gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, làm suy kiệt nguồn đất, gây hại đến sức khỏe con người và sinh vật có ích.

Bên cạnh đó, chúng còn để lại những tồn dư dưới dạng muối trong đất gây nên những hậu quả sau:

Đối với cây trồng

Ngăn cản sự hấp thụ các dưỡng chất cần thiết. Khi được sử dụng với mật độ từ năm này qua năm khác, các acid tạo thành sẽ phá hủy các chất mùn hữu cơ phì nhiêu được tạo ra từ sự phân rã của các cơ thể vi sinh vật đã chết. Làm gia tăng sự mẫm cảm của cây trồng đối với các loài sâu bệnh vì phân hóa học giết chết các vi sinh vật trong đất mà các vi sinh vật này nhằm đề kháng cho cây trồng khỏi một chứng bệnh nào đó.

Đối với nguồn nước

Việc bón phân đạm một cách dư thừa với đặc tính dễ hòa tan trong nước dễ dẫn đến tình trạng rửa trôi xuống ao hồ, sông, suối ngấm xuống nước ngầm làm ô nhiễm nguồn nước. Hàm lượng nitrat cao trong nước là gây độc cho những sinh vật dưới nước.

Đối với đất đai

Lạm dụng phân bón vô cơ khiến đất đai bị bạc màu, chai cứng, đất bị chua hóa, độ pH giảm và gây tích tụ một số kim loại nặng trong đất. Mất cân bằng sinh học do tiêu diệt hệ vi sinh vật có lợi trong đất, có khá nhiều loại phân bón vô cơ (đặc biệt là các loại phân đơn) không cung cấp hay không thay thế được chất vi lượng mà cây trồng hấp thu từ đất gây cạn kiệt dần các chất vi lượng có chứa trong đất.

Đối với không khí

Không khí bị ô nhiễm do quá trình chuyển hóa làm bay hơi một số khí độc như amoniac khi sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ, đặc biệt là các phân bón chứa đạm (N).

Đối với con người

Sử dụng phân bón vô cơ dư thừa sẽ làm tồn dư đạm trong đất, nguồn nước và nông sản. Dẫn đến tác động tiêu cực tới sức khỏe con người. Nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư, chứng máu methaemoglobin,… là do NO2- và NO3-.

Tổng kết

Cây trồng muốn sinh trưởng tốt, ngoài điều kiện về ánh sáng và nguồn nước cần được cung cấp dinh dưỡng thông qua nhiều cách, trong đó có phân bón hoá học.

Với những chia sẻ từ bài viết này, hi vọng sẽ mang lại những thông tin bổ ích về khái niệm “phân bón hóa học là gì?” cũng như các loại phân bón hóa học phổ biến thường dùng hiện nay. Lợi ích và những tác động tiêu cực của phân bón hóa học đối với môi trường xung quanh. Tuy không thể phủ nhận về tầm quan trọng của phân hóa học trong trồng trọt nhưng bà con cần phải bón đúng cách, đúng liều lượng để đạt hiệu quả tốt nhất.

5/5 - (3 bình chọn)
Chia sẻ: