Cách khắc phục bệnh Niucatxon (Niu cát xơn) ở Gà – Bệnh gà rù
(Cập nhật: 25/11/2022 | 14:09)
Nguyên nhân và cách khắc phục bệnh Niucatxon – Hay còn được gọi là bệnh gà dù. Bệnh do virut gây ra và lây lan nhanh trên diện rộng.
Bệnh Niu cát xơn chính là bệnh dịch tả gà hay bà con nông dân thường gọi là bệnh gà rù. Bệnh Newcastle (Niucatxon) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất ở gà bởi tính nguy hại do bệnh gây ra: tỉ lệ chết rất cao, làm giảm năng suất thịt, trứng… Tiêu tốn thức ăn và làm tăng các chi phí, phá vỡ kế hoạch sản xuất, gây hậu quả nặng nề đến kinh tế; bệnh lây lan, phát tán rất mạnh trên diện rộng.
Trong bài viết này của Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền, chúng tôi sẽ cung cấp toàn bộ kiến thức về bệnh Niu cát xơn ở Gà. Mời bà con cùng đón đọc nhé!
Mục lục
Dịch tễ bệnh
Bệnh xảy ra quanh năm không phụ thuộc vào mùa, khí hậu, thời tiết. Tuy nhiên, bệnh thường phát ra chủ yếu vào mùa đông và mùa xuân ở miền Bắc nước ta. Quá trình nhiễm virus xảy ra bằng nhiều cách: Trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường miệng, đường hô hấp, qua giao phối, qua vết thương… Bệnh chỉ truyền ngang (tức là từ gà sang gà) chứ không truyền dọc (tức là không truyền từ trong trứng).
Triệu chứng lâm sàng của bệnh Newcastle
Triệu chứng của bệnh Niucatxon được biểu hiện ở 5 thể khác nhau, nhưng chúng tôi tập hợp vào 3 thể ngắn gọn như sau:
Thể cấp tính (dạng phát nhanh)
Thời gian ủ bệnh ngắn: 3-5 ngày, ít kéo dài hơn. Gà bỏ ăn, ủ rũ nhanh chóng (rù), buồn ngủ, tiêu chảy mạnh, mào tím tái, thở khò khè kèm theo hen hoặc loạc xoạc. Chúng nằm tụm đống hoặc đứng lẻ loi, rụt cổ, xù lông.
Gà chảy nước dãi, đôi khi kéo thành sợi, có lúc thấy viêm mọng mí mắt; diều bị chướng hơi, thức ăn không tiêu. Vạch hậu môn thấy xung quanh lỗ huyệt bẩn do nhiều phân xanh, trắng bám dính. Hậu môn bao giờ cũng bị viêm xuất huyết (viêm đỏ).
Đối với gà đẻ, chỉ sau 1-2 ngày bị bệnh thì năng suất trứng giảm rõ rệt, nhiều trứng có hình dạng không bình thường, vỏ mềm, dễ vỡ, kích thước nhỏ… Thể trạng gà xấu đi nhanh chóng và chết cũng rất nhanh. Tỉ lệ chết ở thể cấp tính rất cao 60-90%, thậm chí nhiều đàn chết 100%.
Thể dưới cấp (dạng phát trung bình)
Các triệu chứng đường hô hấp
Gà bị viêm mũi, viêm thanh khí quản
Nước dãi, nước mũi chảy dàn dụa, diều chứa đầy hơi hoặc thức ăn không tiêu.
Gà khó thở và mỏ bám mở để hít khí hoặc dướn dài,dướn cao cổ để hít khí.
Tiếng ho hen “loặc xoặc” phát ra liên tục kèm theo tiếng rít mạnh, đôi khi phát ra tiếng “toóc”. Triệu chứng ho hen khi bị Newcastle ở thể trung bình này rất điển hình, song đáng tiếc là trong thực tế có đa số cán bộ kỹ thuật lại không mấy chú trọng và luôn nhầm tưởng đó là bệnh hô hấp truyền nhiễm mãn tính CRD.
Các biểu hiện thần kinh
Gà bị liệt hoặc bán liệt cánh chân. Nhiều trường hợp 1 trong 2 cánh xã xuống tận đất.
Nhiều gà đứng lẻ loi, rụt cổ, chảy nước dãi hoặc nằm tụm đống kêu khác lạ, khi xua đuổi chúng có những chuyển động theo kiểu động kinh.
Gà bị ngoẹo đầu ngoẹo cổ hoặc về bên trái, hoặc về bên phải , hoặc sát xuống bụng hoặc vắt ra sau lưng, co dật từng nhóm cơ, nhất là vùng cổ.
Một số gà bị chết sau 4-10 ngày phát bệnh, một số khác dần dần hồi phục, khoẻ trở lại bình thường nhưng mang mầm bệnh hàng năm trời. Trong số những con khoẻ lại thấy một số bị đi cà nhắc, có con bị ngoẹo cổ, bại cánh, bại chân một thời gian khá dài (trên dưới 1 tháng) thành tật nhưng đa số bình phục.
Các biểu hiện về đường tiêu hoá
Gà ốm kém ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn, gầy sút nhanh.
Vì thức ăn không tiêu nên diều, ruột chứa nhiều hơi.
Gà đi tiêu chảy nước, phân xanh nên chuồng ẩm ướt.
Tỷ lệ chết ở thể dưới cấp dao động từ 20-60%.
Thể không điển hình, thể phát chậm (Niu cát xơn không điển hình)
Đây là những trường hợp bệnh Niu cát xơn xảy ra ở những đàn gà đã được tiêm chủng vacxin. Tức là bệnh xảy ra ở những đàn gà mà đáp ứng miễn dịch chưa đầy đủ, chưa đạt yêu cầu hoặc do nhiễm bởi 1 chủng virus có độc lực gây bệnh yếu.
Ở thể này gà có biểu hiện như sau:
– Trong khi đàn gà vẫn đang ăn uống bình thường thì thấy một số gà kém ăn một chút rồi từ từ bỏ ăn. Chúng gầy, khô, lông kém mượt; da chân, da mỏ kém bóng
– Gà bị ỉa chảy phân xanh hoặc xanh vàng trắng
– Đàn gà có nhiều con ho hen “loặc xoặc” hoặc sặc khoẹt rất giống như bệnh hô hấp truyền nhiễm CRD, tiếng toóc ít khi có, lỗ huyệt (hậu môn) ẩm ướt, bết dính phân xanh trắng.
– Số gà có biểu hiện như trên tăng dần qua mỗi ngày.
– Trong khi đàn gà vẫn tiếp tục ăn uống, đi lại bình thường thì đêm nào cũng có một số gà chết, chúng chết rải rác, lác đác và có xu hướng tăng dần
– Đối với gà đẻ, sản lượng trứng lúc đầu không thấy giảm nhưng có nhiều trứng dị hình, trứng đẻ ra vỏ mềm, dễ vỡ, kích thước nhỏ, màu trứng thay đổi. Sau khoảng 10-15 ngày thì sản lượng trứng mới bắt đầu giảm và cũng giảm từ từ.
–>> Có thể bà con cần biết: Bệnh Ecoli trên Gà
Cách xử lý và điều trị bệnh
Bước 1: Dùng ngay vacxin Lasota, hoặc H1 để tăng cường miễn dịch chống Niucatxon
Đối với gà dưới 20 ngày tuổi:
- Chưa dùng Lasota hoặc IB + ND lần nào và chưa tiếp xúc với đàn gà bệnh thì chúng ta phải nhỏ vacxin Lasota hoặc IB + ND rồi nhanh chóng chuyển đi nơi khác an toàn để tiếp tục nuôi. Nếu đàn gà đã có tiếp xúc với mầm bệnh thì tốt nhất là không dùng vacxin mà nên tiêu huỷ cả đàn.
- Đã dùng 1-2 lần Lasota hoặc V4 thì dùng ngay loại vacxin đó để nhỏ mắt, mũi, mồm; sau từ 7-10 ngày thì cho uống nhắc lại hoặc tiêm vacxin Newcastle H1 dưới da cánh.
Đối với gà trên 30 ngày tuổi:
- Nếu đã dùng 1-2 lần Lasota hoặc IB + ND thì tiêm vacxin Niucatxon H1 dưới da cánh ngay lập tức.
- Nếu gà chưa tiêm hoặc vừa mới tiêm vacxin Niucatxon H1 thì tiêm lại ngay càng sớm càng tốt.
Bước 2: Cho 100kg gà uống thuốc theo một trong những cách như sau:
Cách 1:
- T. Cúm gia súc : 20g
- T.Colivit : 20 g
- Super-Vitamin : 20g
- Thuốc pha vào 15-20lit nước cho gà uống ngày đêm và dùng liên tục 3-4 ngày
Cách 2:
- Thuốc Cúm gia súc: 20g
- Thuốc Avimycin: 20g
- Doxyvit Thái: 20g
- Thuốc pha vào 15-20lit nước cho gà uống ngày đêm và dùng liên tục 4-5 ngày
Cách 3:
- Thuốc Cúm gia súc: 20g
- Thuốc Umgiaca : 20g
- Super-Vitamin : 20g
- Thuốc pha vào 15-20lit nước cho gà uống ngày đêm và dùng liên tục 4 ngày
Chú ý:
Phải che chắn chuồng ấm áp về mùa đông, thông thoáng tốt vào mùa hè, nền chuồng phải khô, thức ăn phải mới, đủ chất dinh dưỡng… Phải thực hiện đầy đủ 2 bước như đã nói ở trên. Trừ những đàn gà quá bé hoặc chưa được miễn dịch cơ sở Lasota 1-2 lần, nếu thực hiện đúng cách đã hướng dẫn như đã nêu ở trên thì chúng ta có thể cứu được trên 80-85% số gà bệnh.
Cách phòng bệnh niu cát xơn
Không có thuốc điều trị bệnh Niu cat xơn, do vậy lấy khâu phòng bệnh là chính, không nên nuôi chung gà các lứa tuổi. Bên cạnh đó người chăn nuôi phải luôn chú ý đến khâu vệ sinh thức ăn, nước uống, chuồng trại thì hiệu quả phòng bệnh mới cao.
Phòng bệnh bằng vac xin:
Dùng vác xin Laxota nhỏ mắt mũi lúc 3 – 7 ngày tuổi, 21 ngày tuổi.
Tiêm vacxin Niu cat xơn hệ I lúc 60 ngày tuổi và 135 ngày tuổi.
Hoặc sử dụng vac xin Niu cat xơn chịu nhiệt pha nước cho uống theo hướng dẫn của thú y.
Cần chú ý đến tác dụng và thời hạn của loại vac xin này khi đến thời điểm phải dùng ngay và hết thời hạn thì phải dùng tiếp để gà có thể miễn dịch bền vững.
Phòng bệnh bằng cách tạo môi trường sống tốt nhất
Nền chuồng bà con nên rắc đệm lót để tiêu hủy phân, giảm khí độc, giảm E.Coli, Mycoplasma, samonella,… Có thể kết hợp dùng men TPS dạng bột nếu thời tiết ẩm ướt, dùng TPS dạng lỏng khi thời tiết khô nóng.
Khử trùng chuồng trại định kỳ 1 lần/ tuần. Khi thời tiết mưa bão, ẩm ướt thì 3 ngày/ lần. Bà con nhớ không phun sát trùng vào lớp nót chuồng nếu dùng men. Phun xung quanh tường, sân chơi,
cống rãnh, lối ra vào, dụng cụ chăn nuôi.
Tăng cường đề kháng cho Gà từ bên trong bằng men tiêu hóa và axit hữu cơ. Khi thời tiết thay đổi cần bổ sung thêm Bcomplex và nếu trong vùng có dịch có thể cho gà uống phòng kháng sinh
trước.
Hỏi đáp về bệnh Niu cát xơn
Câu hỏi 1: Gia đình tôi nuôi 600 con gà đã được 5 tháng tuổi. Khoảng một tháng gần đây gà có hiện tượng đi ngoài phân lỏng màu trắng, mắt nhắm, sã cánh, mào thâm, chướng bụng, khi mổ ra thấy gan sưng. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục như thế nào?
Trả lời:
Với những biểu hiện như trên thì khả năng rất cao là bị cúm gà hoặc bệnh gà rù. Để điều trị cần có phác đồ, tiêm vacxin Niucatxon và vacxin cúm. Nếu tiêm Niucatxon thì tiềm Niucatxon H1, cúm thì tiêm vacxin cúm H5N1 re 6. Vacxin cúm tiêm vào dưới da gáy cổ còn vacxin Niucatxon thì tiêm vào dưới da nách cánh.
Sau khi đã tiêm xong thì bà con dùng thêm toa thuốc gồm có T.coryzin, T.cúm gia súc, giải độc gan và Super-Vitamin. Mỗi loại 20g cho một tạ gà, dùng trong 4 ngày.
Câu hỏi 2: Nhà tôi có 30 con gà, gồm có nhiều lứa tuổi. 2 tuần nay gà có hiện tượng liệt chân, gầy, khô chân rồi chết và hiện nay đã chết 20 con. Đã dùng thuốc nhưng không đỡ, hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?
Trả lời:
Từ những dấu hiệu này thì rất có thể đàn gà bị mắc bệnh Niucatxon hay còn gọi là bệnh gà rù. bà con cần lập tức can thiệp vacxin Niucatxon. Nếu gà chưa từng được dùng vacxin lần nào thì cần nhỏ Narota và ND-IB.
Sau 15 ngày cho gà uống lại lần nữa, tiếp theo sau 15 ngày nữa thì tiêm vacxin Niucatxon lần 1. Nếu gà đã được nhỏ vacxin 1 lần rồi sẽ nhỏ lại và sau 15 ngày sẽ tiêm vacxin Niucatxon.
Tuy nhiên, khi tiêm vacxin Niucatxon thì sẽ có phản ứng, gà có thể sẽ bị nghẹo đầu nghẹo cổ, đầu quay lên hoặc cúi xuống.
Sau khi đã tiêm xong thuốc Niucatxon thì sẽ dùng toa thuốc
– CCRD – Năm thái: 1g
– Anti-CRD.LA: 1g
– Dexa Thái: 0,5ml
Tất cả pha chung với 15g đường cùng 1l nước cho uống trong 4 ngày đêm. Về nguyên tắc khi đàn gà đã được dùng Niucatxon rồi thì phác đồ này hiệu quả rất tốt.
++ Xem thêm: Bệnh dịch tả Ngan
Cung cấp thông tin chính xác, tích cực cho người dân về nông nghiệp, nông sản Việt Nam. Cập nhật tin tức mới nhất về tình hình sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chia sẻ, phổ biến mô hình làm giàu hiệu quả và bền vững. Chia sẻ các kiến thức xã hội trong nhiều lĩnh vực khác như Giáo dục, du lịch,…