Trang chủ » Nông Sản Việt » Nông Sản Vụ Đông Liên Kết Sản Xuất Và Tiêu Thụ

Nông Sản Vụ Đông Liên Kết Sản Xuất Và Tiêu Thụ

Theo dõi Cổng Thông Tin Thương Hiệu Vùng Miền trên

(Cập nhật: 25/07/2023 | 10:34)

Khoảng thời gian này, bà con đang tập trung thu hoạch rau màu vụ đông. Tại nhiều địa phương đã hình thành những mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản vụ đông cho nông dân. Các mô hình trên bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế và tạo tâm lý an tâm cho người nông dân.

Thời gian qua, ở nước ta nhiều nơi đã phát triển nhiều mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản vụ đông với nhiều hình thức, quy mô khác nhau. Trong số đó phải kể đến tỉnh Hưng Yên.

Ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã rau an toàn Chiến Thắng, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cho biết: Được thành lập đầu năm 2018, hiện nay hợp tác xã đang sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGap với diện tích 5ha, trong đó có 1,4ha trồng trong nhà lưới, nhà màng; sản lượng rau dự kiến đạt trên 200 tấn/năm.

Ngoài lượng rau tự sản xuất, hợp tác xã còn hợp đồng thu mua với các hộ, cơ sở sản xuất cung ứng từ 1,5 – 2 tấn rau, quả đạt tiêu chuẩn VietGap cho các siêu thị, cửa hàng, bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh. Để tạo nguồn cung ứng ổn định, mới đây hợp tác xã đã ký hợp đồng tiêu thụ rau an toàn với các hộ sản xuất 10ha rau ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ).

 Nông sản vụ đông

Là doanh nghiệp chuyên chế biến rau quả đóng hộp xuất khẩu, từ nhiều năm nay, Công ty TNHH Thành Yên (thành phố Hưng Yên) luôn được đánh giá là địa chỉ tin cậy đối với những nông dân trồng dưa chuột bao tử trên địa bàn tỉnh. Vụ đông này, công ty đã ký hợp đồng thu mua 200 tấn dưa chuột bao tử xuất khẩu của nông dân các xã Tam Đa (Phù Cừ), Ngô Quyền, Hưng Đạo (Tiên Lữ). Nhằm khuyến khích nông dân trồng dưa, đầu vụ đông, công ty đã hỗ trợ toàn bộ tiền mua hạt giống cho những hộ đăng ký bán dưa cho công ty.

Cùng với việc liên kết thu mua nông sản vụ đông theo hình thức ký kết hợp đồng, phần lớn sản phẩm vụ đông của nông dân do thương lái thu mua.

Ông Trần Văn Biển ở xã Hồ Tùng Mậu (Ân Thi) là một trong những hộ nhiều năm đứng ra thu gom và bao tiêu sản phẩm cho nông dân trong xã chia sẻ: “Trước thực trạng nông dân khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản, gia đình tôi và một số hộ trong xã đã liên hệ với thương lái cung cấp và tiêu thụ các loại rau, quả vụ đông trên địa bàn xã. Vào thời điểm chính vụ, trung bình mỗi ngày tôi thu mua 10 tấn quả bí ngô bao tử của nông dân trong xã cho thương lái. Nông dân chỉ việc trồng, chăm sóc và thu hoạch”.

Qua khảo sát thực tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm cây vụ đông của tỉnh khá đa dạng, sản phẩm được phân phối qua nhiều kênh, ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Liên kết tiêu thụ nông sản có 2 hình thức: Doanh nghiệp hợp đồng đầu tư giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật, sau đó thu mua lại nông sản của nông dân hoặc chỉ hợp đồng thu mua nông sản của nông dân.

Các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản vụ đông đã tạo tâm lý yên tâm và mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân, đồng thời các doanh nghiệp, thương lái cũng ổn định và chủ động được nguồn nông sản.

Nông sản vụ đông

Tuy nhiên, nhiều mô hình chỉ liên kết trong 1 vụ, sau đó không duy trì và mở rộng quy mô… khiến sản phẩm sau thu hoạch khó tiêu thụ, giá cả không ổn định.

Việc liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp chưa nhiều, thiếu tính bền vững, nông sản làm ra bị tư thương ép giá, tiêu thụ khó khăn, sản lượng thu mua đạt thấp so với nhu cầu tiêu thụ của người sản xuất.

Hợp đồng ký kết giữa một số doanh nghiệp với nông dân chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng phá vỡ hợp đồng. Khi giá nông sản thị trường lên cao, nông dân bán sản phẩm ra ngoài, ngược lại khi giá xuống thấp mới quay trở lại với doanh nghiệp thu mua.

Phần lớn sản phẩm tiêu thụ qua nhiều khâu trung gian nên giá thu mua thấp, trong khi đó, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm một số loại nông sản vụ đông chưa bảo đảm. Nhiều hộ nông dân sử dụng thuốc BVTV, phân bón, thuốc kích thích sinh trưởng tùy tiện nên sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chế biến, xuất khẩu; sản xuất thủ công, nhỏ lẻ, manh mún, chi phí sản xuất lớn… làm nông sản giảm chất lượng, giá thành cao, sức cạnh tranh thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu từ phía doanh nghiệp…

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ: